Rối loạn nhịp tim BS chẩn đoán động kinh

Duy được các bác sỹ ở Hải Phòng chẩn đoán là bị... động kinh. Sau khi chữa trị tại bệnh viện thành phố không đỡ, các bác sĩ đã chuyển Duy xuống BV Nhi Trung ương. Tại đây, chị Huệ té ngửa khi phát hiện con mình bị rối loạn nhịp tim.

Ngày 26.7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, BV vừa tiến hành can thiệp thành công hai ca rối loạn nhịp tim bằng kỹ thuật mới - đốt triệt vùng bệnh lý với sóng radio cao tần.

Rối loạn nhịp tim BS chẩn đoán động kinh - 1

Bệnh nhân Duy (áo trắng) và Giáp đã khỏe mạnh sau 3 ngày phẫu thuật

Bệnh nhân Nguyễn Văn Duy (14 tuổi, Hải Phòng) thường bị ngất, sau đó lại bình thường, gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán là bị động kinh. Suốt 2 năm liền, Duy đã được điều trị theo phác đồ điều trị bệnh động kinh. Chị Huệ, mẹ Duy còn được mách cho con uống mật kỳ đà, sẽ khỏi. Nào ngờ, sau khi uống xong, Duy bị co giật, ngất xỉu. Do tình trạng nặng nên BV thành phố đã chuyển cháu xuống BV Nhi Trung ương.

Tại đây, chị Huệ té ngửa khi các bác sĩ chẩn đoán, cháu Duy bị rối loạn nhịp tim chứ không phải động kinh. Theo các bác sĩ điều trị cho cháu Duy, do hồi 2 tháng tuổi, cháu bị viêm màng não, để lại di chứng vận động, đi lệch 1 bên, liệt một bên tay. Đây có thể là lý do khiến những lần khám trước, cháu bị chẩn đoán là động kinh.

Còn bệnh nhân thứ 2 cũng là người Hải Phòng, cháu Lê Văn Giáp, 8 tuổi. Trong 2 năm, Giáp đã phải nhập viện tỉnh 6 lần, được điều trị bằng các thuốc rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan, cơn nhịp tim nhanh tái phát nhiều lần.

Theo Tiến sĩ Liêm, kỹ thuật mới đưa ống điện cực vào buồng tim, loại bỏ đường dẫn truyền nhĩ bất thường – nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Trước đây, các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim thường phải nhập viện nhiều lần, do bệnh tình không chấm dứt hẳn. Kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần hiện là biện pháp điều trị hữu hiệu và an toàn tối ưu, được áp dụng ở nhiều nước phát triển.

"Ca phẫu thuật tiến hành ngày 24.7, nhưng hai bé đã phục hồi tốt, không có bất kì biến chứng hay tai biến chứng, dự kiến 1-2 hôm nữa có thể xuất viện. Bình thường, sau 24 giờ trẻ có thể xuất viện", Tiến sĩ Liêm nói.

BV cũng đã tiến hành can thiệp kỹ thuật mới này dưới sự chứng kiến của các chuyên gia Singapore.

BS Nguyễn Thanh Hải, khoa Tim mạch – BV Nhi Trung ương cho biết, rối loạn nhịp tim nhanh là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp ở trẻ. Nó có thể gây suy tuần hoàn, suy hô hấp và suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.

Hầu hết bệnh lý gây cơn nhịp tim nhanh ở trẻ đều có thể điều trị triệt để và không để lại di chứng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Biểu hiện trẻ bị rối loạn nhịp tim không rõ ràng.

Khi nhỏ, các cháu có thể có biểu hiện biếng ăn, bỏ bú, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh, ngất xỉu. Còn trẻ lớn có thể cảm nhận rõ cảm giác đánh trống ngực tức ngực, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì ngất, thậm chí là đột tử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Kiệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN