Phẫu thuật giúp chàng trai thoát cảnh "tiểu ngồi" suốt 25 năm

Là nam giới nhưng suốt 25 năm qua, anh T.T.S. (25 tuổi, dân tộc Mông) ở Lào Cai luôn phải tiểu... ngồi như chị em. Sau ca phẫu thuật tạo hình mới đây, anh S. đã không còn xấu hổ mỗi khi làm “chuyện ấy”.

Sáng 15-1, tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội) TS-BS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, cho biết Trung tâm vừa phẫu thuật thành công cho một ca bị thấp niệu đạo. Bệnh nhân là T.T.S., nam, 25 tuổi, quê ở Lào Cai.

Phẫu thuật giúp chàng trai thoát cảnh "tiểu ngồi" suốt 25 năm - 1

Bệnh nhân T.T.S. (ngoài cùng bên phải) và các bác sĩ - Ảnh bác sĩ cung cấp

Được biết, bệnh nhân S. đến viện trong tình trạng lỗ niệu đạo nằm thấp, sát với tầng sinh môn (hậu môn). Do lỗ niệu đạo thấp nên suốt 25 năm qua, anh S. thường xuyên xấu hổ, mặc cảm vì phải đi tiểu ngồi như chị em. Cách đây không lâu, khi quyết định lấy vợ, anh S. đã đến BV Việt Đức nhờ các bác sĩ kiểm tra lại sự khác thường ở “vùng kín”.

Theo bác sĩ Quang, trường hợp của bệnh nhân S. là bệnh lý dị tật đường sinh dục cũng khá thường gặp, đó là tình trạng lỗ tiểu thấp. Thông thường, lỗ niệu đạo phải nằm ở quy đầu, còn với các trường hợp lỗ tiểu thấp thường nằm bên dưới, xuống tận phần bìu hoặc sát hậu môn. Những nam giới mắc dị tật này thường rất xấu hổ vì phải “tiểu ngồi” như phụ nữ. Dù quan hệ tình dục vẫn bình thường nhưng “con giống” lại không thể “tới đích” mà ra ngoài hết do đó khả năng có con là rất thấp.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân S., bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nam học, cho biết bệnh nhân vừa bị lỗ tiểu thấp, vừa bị cong dương vật. Do đó, các bác sĩ phải dựng thẳng dương vật, sau đó dùng niêm mạc miệng để cuốn thành đường niệu đạo mới, nối dài để đưa lỗ niệu đạo đến quy đầu.

Sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể tiểu đứng và sinh hoạt tình dục bình thường.

Cũng theo bác sĩ Giang, bệnh lý lỗ niệu đạo thấp thường gặp ở nam giới, nhưng ở thành phố, các bé trai thường được bố mẹ đưa đi phẫu thuật từ sớm. Khi đó, các chức năng sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển bình thường. Tuy nhiên, người dân vùng sâu, vùng xa thì thường xấu hổ nên giấu bệnh hoặc không có điều kiện đi khám, điều trị sớm.

Phẫu thuật giúp chàng trai thoát cảnh "tiểu ngồi" suốt 25 năm - 2

Mỗi ngày trung tâm nam học tiếp nhận khoảng 50 người tới khám

Theo bác sĩ Nguyễn Quang, nếu như 10 năm trước, mỗi ngày Trung tâm Nam học chỉ có vài người đến khám thì nay đã lên tới khoảng 50 người/ngày. Trung bình một năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 17.000 lượt nam giới đến khám. Cũng theo bác sĩ Quang, tỉ lệ và số lượng nam giới bị mắc các bệnh lý về nam khoa ngày càng gia tăng và trẻ hoá. 4 mảng bệnh nam học mà nam giới hay mắc, đó là rối loạn tình dục (như: xuất tinh sớm, xuất tinh chậm và muộn, xuất tinh ngược dòng…); vô sinh nam giới; viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục; dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục (như: tinh hoàn ẩn, dương vật cong, niệu đạo đóng thấp…). Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do rối loạn hoóc-môn, sinh hoạt không điều độ, uống rượu bia nhiều, căng thẳng trong cuộc sống, mất cân bằng tâm sinh lý…, nhất là lối sống thiếu lành mạnh, giới trẻ ngày càng quan hệ tình dục sớm và “tự sướng” nhiều hơn.

Cũng theo bác sĩ Quang, nhiều người khi có các triệu chứng hoặc khi đã mắc bệnh nam học, họ thường giấu giếm, e ngại người khác biết về căn bệnh của mình. Điều đó khiến cho những bệnh nhân mắc các bệnh về nam học thường có quá trình ủ bệnh lâu, đi khám chữa muộn và bệnh đã ở giai đoạn khó chữa. Tuy nhiên, nếu được thăm khám và phát hiện bệnh sớm, việc chữa trị sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN