Nước uống đóng chai: Kẻ thù "giết người" âm thầm

Thói quen sử dụng các đồ uống đóng chai có ở nhiều gia đình vì họ tin rằng đó là thứ nước bổ dưỡng. Ít ai biết rằng nước uống đóng chai là kẻ thù nguy hiểm của sức khỏe.

Nước uống đóng chai: Kẻ thù "giết người" âm thầm - 1

Nước uống đóng chai gây béo phì, tăng huyết áp....

Những tín đồ của nước đóng chai

Anh Nguyễn Văn Du trú tại Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh tâm sự, anh là tín đồ của nước uống đóng chai. Anh uống nước cô ca thay nước lọc. Mỗi ngày anh tự mua cho mình một chai. Anh kể: “Tôi không hút thuốc, ở một mình chẳng nấu ăn nên cứ mua cả lốc nước đóng chai 70 nghìn về uống cả tuần. Chỉ uống nước này tôi mới thấy không nhạt miệng”. Trong khi đó, anh Du cao 1,67 mét, nặng 93 kg. Nói về cân nặng, anh Du cho rằng không liên quan đến nước uống đóng chai vì anh béo từ khi còn nhỏ.

Chị Vũ Thị Hướng trú tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội đau đầu vì cậu con trai học lớp 6 nghiện nước ngọt có ga. Chị kể cháu có thể uống cả chai 1,5 lít trong bữa ăn nếu cha mẹ không để ý. Vì sở thích uống đồ uống có gas nên cháu bé cũng lọt vào top béo phì. Chị cho con đi khám ở nhiều nơi các bác sĩ đều yêu cầu giảm cân và hạn chế đồ ngọt đóng chai.

Về nhà, chị Hướng tuyệt đối không cho con uống nước thì cháu lại ra hàng tạp hóa mua chai nhỏ uống trộm. Việc ăn kiêng, uống kiêng của cháu bé cũng khiến vợ chồng chị đau đầu.

Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết ông đang điều trị chứng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa cho một bệnh nhi học lớp 9 nhưng nặng 130kg. Bệnh nhi này có sở thích ăn mì tôm và uống nước ngọt đóng chai.

Bố mẹ cháu bé cho biết khoảng 3 năm nay cháu bé tăng cân không hãm lại được. Hàng ngày, cháu thường đi học về là chui vào trong phòng chơi điện tử rồi ăn mì tôm thay cơm, uống nước ngọt. Bố mẹ cấm không cho ăn, uống thứ đó thì cháu tự đi mua về tích trong phòng ăn dần khi bố mẹ vắng nhà. 

Đến khi cháu quá béo, xuất hiện mệt mỏi, xanh xao, gia đình đưa con đến bệnh viện khám bác sĩ chẩn đoán tiểu đường tuyp 2. Bệnh nhân được theo dõi chế độ ăn rất chặt chẽ nhưng Giáo sư Bình cho hay nếu không hợp tác với bác sĩ thì rất khó, một phần các cháu còn nhỏ chưa hiểu hết được nguy hại của các bệnh lý do nước đóng chai mang lại.

Kẻ thù gây hàng chục bệnh

Tiến sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nước uống đóng chai hiện nay để lại rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia năm 2014, có khoảng 300,000 trẻ em < 5 tuổi bị thừa cân-béo phì trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng 3,5%, tỷ lệ này đặc biệt tăng cao ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây thực sự là 1 con số đáng lo ngại và cần được quan tâm thích đáng của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của ngành y tế và các gia đình.

Nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ thừa cân-béo phì trên do nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến thói quen dinh dưỡng không hợp lý. Trong chế độ dinh dưỡng, sự xuất hiện nhiều các thức ăn, đồ uống nhiều năng lượng "rỗng", nước ngọt đóng chai là một trong số đó.

Nước ngọt đóng chai rất dễ tìm kiếm và được sử dụng phổ biến cho cả người già lẫn trẻ con ở cả thế giới và Việt Nam. Vậy, nước ngọt có tốt cho sức khỏe không? Câu trả lời là không. 

Theo tiến sĩ Hưng, nước uống đóng chai không hề có dinh dưỡng như người ta vẫn thường quảng cáo khiến nhiều người lầm tưởng đây là thứ nước thần thành. Trong thành phần của các loại nước uống đóng chai chứa đường là chính , theo bác sĩ dinh dưỡng đây là kalo rỗng.

Một lon nước ngọt đóng chai (250ml hoặc 330ml) có chứa khoảng 40g đường, cung cấp khoảng 130 Kcal.

Nước ngọt đóng chai chứa nhiều đường hấp thu nhanh, làm cho lượng đường trong máu tăng lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng nhiều nước ngọt đóng chai làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2. Các chuyên gia dinh dưỡng, nội tiết khuyên bạn chỉ uống tối đa là 3 lon nước ngọt 1 tuần.

Ngoài ra, nước uống đóng chai còn để lại rất nhiều hệ lụy khác. Những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe do nước ngọt đóng trai kể trên, đã góp phần gia tăng thừa cân-béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng sau này như loãng xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN