Niềm vui của bác sĩ cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu qua... Facebook

Facebook không chỉ là kênh thông tin giải trí mà đối với các y bác sĩ đây còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí còn có thể cấp cứu bệnh nhân.

Niềm vui của bác sĩ cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu qua... Facebook - 1

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - gọi điện cho đồng nghiệp cấp cứu bệnh nhân từ xa sau khi xem xét qua facebook những hình ảnh về bệnh nhân. Ảnh bác sĩ cung cấp.

Cấp cứu bệnh nhân qua facebook

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn chuyên ngành gây mê hồi sức, đang công tác tại Trường Đại học Y dược TP.HCM luôn xúc động khi kể về những câu chuyện cầu nối của bệnh nhân và bác sĩ, bác sĩ với chính bác sĩ. 

Mới tham gia facebook hơn 1 năm nhưng bác sĩ Tuấn rất vui khi thấy facebook là một kênh thông tin tuyệt vời.

Bác sĩ Tuấn kể, nhờ có facebook ông đã cùng đồng nghiệp cấp cứu được nhiều ca bệnh từ xa. Kỷ niệm bác sĩ Tuấn nhớ nhất đó là vào vào đợt tháng 9 năm 2015. Ông đang trong trong giờ làm việc thì thấy điện thoại báo có tin nhắn từ Facebook của đồng nghiệp đề nghị hỗ trợ xử lý trường hợp một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viên tư nhân của tỉnh Thanh Hoá bị hôn mê sau khi gây tê.

Bác sĩ Tuấn còn chưa kịp định hình thì tới tấp các tin nhắn về tình hình của bệnh nhân. Đó là hôn mê sâu, giãn đồng tử ngay sau khi bác sĩ gây tê. Bệnh nhân bị gẫy xương đòn nhưng vừa gây tê bệnh nhân liền hôn mê và đồng tử giãn. 

Đây là tình huống đặc biệt, bệnh nhân không có dấu hiệu của ngộ độc thuốc gây tê như co giật, rối loạn tuần hoàn ngưng thở mà trái lại dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân vẫn bình thường. Dấu hiệu nổi trội của bệnh nhân là hôn mê ngay sau khi được tiêm thuốc tê để xử lý vết thương gãy xương.

Bác sĩ Tuấn cho biết đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp nên chuyện đưa ra một phác đồ cấp cứu tính từng giây. Đây là trường hợp không điển hình của ngộ độc thuốc gây tê và biểu hiện chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương do thuốc tê gắn chặt với các tế bào ở vỏ não gây ra triệu chứng hôn mê. 

Bác sĩ đã gọi ngay cho đồng nghiệp xử lý phác đồ phương pháp Lipid 20% để hoá giải ngộ độc thuốc tê. 15 phút sau cuộc điện khẩn cấp đó, từ ngoài Bắc gọi vào cho biết, bệnh nhân đã tỉnh. 

Sau ca cấp cứu này, bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp cùng nhau thở phào và họ tin tưởng rằng nếu không có mạng xã hội chắc chắn trong giới bác sĩ cũng không có sự gắn kết tuyệt vời như thế.

Tư vấn qua tin nhắn Facebook

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn kể, ông thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân qua tin nhắn facebook. Thậm chí, ông ghi rõ chuyên môn của mình là gây mê hồi sức với nickname “gây mê dạo” nhưng hầu như bạn đọc đều inbox tất cả các vấn đề liên quan tới đa khoa. Nhờ kiến thức học đa khoa 6 năm nên vị bác sĩ này đã có thể chia sẻ rộng rãi kiến thức của mình với bạn đọc.

Nhờ có facebook mà chuyên môn gây mê hồi sức của bác sĩ Tuấn được nhiều người biết đến hơn. Với kinh nghiệm hơn 20 năm về gây mê hồi sức, từng học nội trú tại Pháp, học các khóa ngắn hạn về Gây mê hồi sức và giảm đau tại Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Singapore, bác sĩ Tuấn có mối quan tâm hàng đầu về ứng dụng gây tê vùng để giảm đau cho phẫu thuật và giảm đau khác như ung thư, đau mạn tính.

Không chỉ có bác sĩ Tuấn mà hàng nghìn bác sĩ đều dùng facebook như một công cụ để chia sẻ và cũng là cách họ có thể giúp đỡ bệnh nhân. Bác sĩ Lương Quốc Chính – Bệnh viện Bạch Mai vui mừng cho biết nhờ facebook mà những bài chia sẻ về chuyên môn, về những kiến thức y khoa cơ bản cho người dân được bác sĩ phổ biến và lan truyền rộng rãi. Cũng nhờ facebook mà đồng nghiệp có thể hỗ trợ nhau mỗi khi có ca cấp cứu phức tạp.

Tư vấn tin nhắn qua facebook đó là nhiều cách mà hiện nay các bác sĩ đang làm. Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xúc động nghẹn ngào khi nhờ facebook mà chị biết được bệnh nhân bị ung thư của mình đã điều trị mấy năm nhưng không thấy đến tái khám vẫn sống khỏe mạnh bình thường.

Qua facebook chị còn chia sẻ những kinh nghiệm điều trị ung thư cũng như giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ph.Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN