Nhiều phụ nữ lập gia đình mới biết giới tính mình là nam

Một phụ nữ đi khám vô sinh tại BV Bình Dân mới phát hiện mình là nam giới 100%. Một trường hợp khác đã lập gia đình nhiều năm với hình dáng bên ngoài và tất cả các bộ phận cơ thể là nữ giới nhưng lại có tinh hoàn ẩn trong ổ bụng… Liệu Việt Nam có xử lý được các trường hợp như trên?

Sự việc xảy ra mới đây nhất là bệnh nhân N.T.V, 38 tuổi, trú tại TPHCM không thấy có kinh nguyệt nên đến khám vô sinh tại BV Từ Dũ. Nghi ngờ có dấu hiệu rối loạn giới tính các BS đã giới thiệu đến kiểm tra tại BV Bình Dân. Điều đáng nói, bề ngoài của bệnh nhân và bộ phận sinh dục hoàn toàn là nữ giới nhưng lại có nhiễm sắc thể XY.

BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TPHCM sau khi khám và nhận định, bộ phận sinh dục của bệnh nhân V bị lỗi do rối loạn tuyến sinh dục gây ra tình trạng lưỡng giới giả nam (tức là nam giới nhưng bề ngoài có hình dáng như phụ nữ). Bệnh nhân đã hình thành nhân cách theo khuynh hướng nữ giới và có nguyện vọng chuyển sang nữ nên các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt tuyến sinh dục nam.

Trước đó, tại BV Chợ Rẫy, các BS khoa Ngoại – Tiết niệu tiếp nhận một trường hợp tương tự và phẫu thuật cắt tinh hoàn ẩn cho một “nữ” bệnh nhân đã ngoài 40 tuổi. Điều khó tin là người phụ nữ này đã lập gia đình nhiều năm (với hình dạng bên ngoài và bộ phận sinh dục nữ 100%) nhưng vẫn không phát hiện ra mình là đàn ông và mang nhiễm sắc thể XY.

Theo bệnh án thì “nữ” bệnh nhân này có chồng nhưng không có con và đã ly hôn. Bệnh nhân đã đến BV khám để tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không có con thì phát hiện khối u buồng trứng. Sau đó, bệnh nhân này đã đến BV Chợ Rẫy để điều trị. Sau khi chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS nghi ngờ bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn chứ không phải u buồng trứng. Kết quả phẫu thuật cho thấy bệnh nhân có đến hai tinh hoàn ẩn nằm trong ống bẹn, một cái đã hóa ung thư.

Qua điều tra bệnh sử, gia đình bệnh nhân có 6 chị em gái, bốn người đã có chồng và con. Riêng bệnh nhân và một người em gái ngoài 30 tuổi từ lúc dậy thì đến giờ không có kinh. Thấy hoàn cảnh của chị như vậy nên người em cũng không dám lấy chồng. Các BS đã tư vấn cho người em gái này và tiến hành cho xét nghiệm, siêu âm. Kết quả cho thấy người này cũng giống chị, có hai tinh hoàn ẩn và nhiễm sắc thể là nam - XY và nội tiết tố testosterone nam giới. Cả hai nếu như nhìn từ bên ngoài rất là... phụ nữ.

Nhiều phụ nữ lập gia đình mới biết giới tính mình là nam - 1

Một ca chỉnh lại bộ phận sinh dục tại BV Bình Dân, TPHCM.

Khó chỉnh sửa nếu phát hiện trễ

Theo PGS-TS Trần Ngọc Sinh - trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, BV Chợ Rẫy - hai bệnh nhân trên được xác định là lưỡng giới giả, do di truyền. Cả hai sẽ được phẫu thuật trả lại giới tính thật nếu phát hiện sớm. Do không phát hiện và để quá lâu nên các bộ phận đã hoàn chỉnh và khó có thể can thiệp được.

Theo PGS-TS Lê Tấn Sơn, trưởng bộ môn Ngoại nhi ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Thận niệu BV Nhi Đồng 2, nếu một bé nam sinh ra có bộ phận sinh dục gần hoặc giống bộ phận sinh dục nữ hoặc ngược lại bé nữ có bộ phận sinh dục giống bộ phận sinh dục của nam thì theo y văn người ta gọi đây là những trường hợp “Rối loạn phát triển giới tính”. Không có một công thức chung trong việc điều trị những bệnh nhân có giới tính mơ hồ. Tuỳ vào cơ quan sinh dục phát triển theo hướng nào, nam hoá hay nữ hoá.

Tuỳ vào việc bé được nuôi dưỡng như nam hay nữ, vào mức độ khó dễ của phẫu thuật; BS sẽ tư vấn phụ huynh cách chọn lựa tốt nhất. Hiện y học VN đã chữa trị được những bất thường nam nữ lẫn lộn kiểu này. Bệnh nhân có thể tìm đến BV Chợ Rẫy, Bình Dân, BV Nhi Trung ương, Nhi Đồng 2 để chỉnh sửa lại giới tính của mình. Độ tuổi chỉnh sửa sớm nhất là 4-12 tháng tuổi.

Các BS khuyên rằng, các bậc cha mẹ nên lưu ý đến bộ phận sinh dục của con mình khi sinh ra, thấy bất thường không hoàn chỉnh thì nên đi khám ngay. Phải khám chuyên khoa mới phát hiện được. Chữa trị trễ, trẻ đã nhận biết cơ thể mình và sẽ xảy ra nhiều yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Do đây chỉ là “chỉnh sửa giới tính”, không phải “chuyển đổi giới tính”, nên không có gì trở ngại về mặt luật pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN