Người tìm ra vắc-xin ngừa tiêu chảy cho trẻ Việt Nam đột ngột qua đời

GS.TS Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế sản xuất thành công vắc-xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ em vừa đột ngột qua đời.

GS Luân sinh năm 1962, tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Bà ra đi trong lúc đang tham gia cùng lúc 3 đề tài nghiên cứu quan trọng. Nghiên cứu vắc-xin bại liệt bất hoạt, vắc-xin tay chân miệng, vắc-xin đa giá.

Bà cũng đang phụ trách toàn bộ việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin chân tay miệng và tham gia những quy trình chính của việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin bại liệt tiêm, thay cho vắc-xin uống.

Người tìm ra vắc-xin ngừa tiêu chảy cho trẻ Việt Nam đột ngột qua đời - 1

GS.TS. Lê Thị Luân trong phòng nghiên cứu vắc-xin

Các nhà khoa học đánh giá những đóng góp của bà không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota.

Với nghiên cứu này, bà cùng đồng nghiệp đã xác định được thời kỳ phát bệnh, tuổi mắc bệnh, gánh nặng của bệnh, đặc biệt xác định được chủng virus Rota lưu hành gây bệnh. Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên nhiều bài báo trong nước và quốc tế.

Đây là bước ngoặt trong ngành vắc-xin học, lần đầu tiên tại nước ta sản xuất thành công vắc-xin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế. Theo đó, từ năm 2012, vắc-xin Rotavin-M1 đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Vì sự đóng góp nói trên, năm 2014, GS.TS. Lê Thị Luân đã đạt giải Nhất trong lĩnh vực Y dược của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Trước đó, GS.TS Lê Thị Luân là một nhà khoa học nữ được đón nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013- giải thưởng cao quý tôn vinh những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.

Từng chia sẻ với phóng viên về Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, GS.TS.Lê Thị Luân nói: “Phải nói đây là giải thưởng lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Giải thưởng này đã ghi nhận thành quả lao động và học tập, nghiên cứu vắc xin suốt mấy chục năm. Đó cũng là động lực, thúc đẩy nhiều người đi theo con đường nghiên cứu khoa học”.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bệnh tiêu chảy do virus Rota tại Việt Nam là hiểm họa đáng sợ tại các bệnh viện. Bệnh nhân phải nhập viện luôn chiếm 50-70% trong các đợt dịch bùng phát.

Sự ra đời của vắc-xin này tại Việt Nam giúp giảm khoảng 7.000 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000- 140.000 lần trẻ phải nhập viện do mắc tiêu chảy virut Rota.

Đặc biệt, Rotavin-M1 được sản xuất tại Việt Nam, dùng cho người Việt Nam có chi phí khoảng 300.000 đồng/liều, chỉ bằng 1/3 so với giá vắc-xin ngừa virut tiêu chảy nhập khẩu từ 3 nước trên. WHO cũng khuyến cáo đưa Rotavin-M1 vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN