Người lớn bất cẩn, trẻ nghịch điện tử vong

Các chuyên gia y tế khuyến cáo với thời tiết oi bức như hiện nay, những tai nạn chết người, đặc biệt ở trẻ em, rất dễ xảy ra mà nguyên nhân chính là do sự sơ ý của người lớn.

Những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) nhi ở TPHCM đã tiếp nhận cấp cứu hàng loạt ca tai nạn thập tử nhất sinh. Đáng báo động nhất là tình trạng ngộ độc các loại chất tẩy, xăng dầu, cồn… đựng trong chai nước suối, nước ngọt.

Những chai nước “tử thần”

Các chuyên gia y tế khuyến cáo với thời tiết oi bức như hiện nay, những tai nạn chết người, đặc biệt ở trẻ em, rất dễ xảy ra mà nguyên nhân chính là do sự sơ ý của người lớn. Thời tiết nắng nóng, mau khát nước nên tình trạng uống nhầm các chất nguy hại này rất dễ xảy ra. Hơn 90% trường hợp trẻ ngộ độc do uống nhầm hóa chất đựng trong những loại vỏ chai này.

Mới đây, bé T.M.L (gần 2 tuổi) bị ngộ độc dầu hỏa phải vào BV Nhi Đồng 1 - TPHCM cấp cứu. Đang chơi trước sân vào buổi chiều, L. chạy vào nhà tìm nước uống. Thấy chai nhựa không đậy nắp để trên bàn, bé ngửa cổ uống một hơi. Chai mà bé L. chộp uống vốn đựng dầu hỏa mà người nhà sơ ý để trên bàn. Ngay lập tức, bé sặc sụa, tím tái, bất tỉnh.

Người nhà dùng nhiều biện pháp sơ cứu tại chỗ trước khi chuyển L. đến BV Nhi Đồng 1. Sau 2 tuần cấp cứu, tình trạng sức khỏe của bé mới dần cải thiện, thở được. Phải cần thêm 3 tuần nữa, L. mới phục hồi nhưng theo các bác sĩ, bé khó tránh khỏi các di chứng tổn thương phổi.

Người lớn bất cẩn, trẻ nghịch điện tử vong - 1

Bé trai này vừa tử vong sau khi bị điện giật do leo trụ điện để cứu con diều mắc trên đó

Một tai nạn do người lớn bất cẩn xảy ra trước đó chưa lâu khi bé H.H (3 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) uống nhầm axít đậm đặc đựng trong chai nước suối. Đang khát giữa trời nóng bức, thấy cái chai, tưởng nước khoáng nên H. lấy uống. Người nhà lập tức đưa bé đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, miệng lưỡi, cổ họng, dạ dày bị axít làm tổn thương nặng nề. Dù đã được cứu sống nhưng bé H. vẫn bị di chứng hô hấp, tổn thương thực quản.

Tại BV Nhi Đồng 2 - TPHCM, nhiều bác sĩ vẫn luôn nhắc lại những giây phút chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống cho bé gái L.T.T.T (2 tháng tuổi, ngụ TPHCM), bị ngộ độc hóa chất Cloramin B dùng lau rửa sàn nhà để phòng bệnh tay chân miệng. Đưa con đi chích ngừa, người mẹ được trạm y tế phường phát thuốc hạ sốt và hóa chất màu trắng dạng bột (Cloramin B). Về nhà, thay vì cho T. uống thuốc, người mẹ lại pha hóa chất khử khuẩn này cho bé uống!

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Nội tổng quát 1 - BV Nhi Đồng 1, cho rằng trên đây chỉ là vài trường hợp trong rất nhiều ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc hóa chất tại nhà. Những hóa chất gây ngộ độc cho trẻ em thường gặp nhất là xăng, dầu hỏa, chất tẩy rửa gia dụng, chất khử trùng, thuốc trừ sâu rầy, giấm, nước tro tàu, axít, acetone, keo dán gỗ, nước rửa kim loại... Những sản phẩm này dùng rộng rãi trong đời sống hằng ngày nên thường được lưu trữ trong nhà, trẻ vô tình uống phải là lãnh hậu quả thương tâm.

Cha mẹ phải có trách nhiệm hơn

Theo các bác sĩ, còn rất nhiều tai nạn nguy hiểm khác rình rập trẻ em mà nguyên nhân chỉ vì vài phút lơ đễnh, chủ quan, bất cẩn ở người lớn. Gần đây nhất là những vụ tai nạn thương tâm ở trẻ như thả diều bị điện giật, quạt chém mẻ sọ, té vào lò lửa...

Trẻ em rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên nguy cơ bị tai nạn rất cao. Thêm vào đó, tác nhân gây tai nạn phần lớn cũng do sự bất cẩn của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn công việc, thiếu quan tâm đến sự an toàn cho trẻ ngay chính trong ngôi nhà mình.

Các chuyên gia cho rằng giải pháp tiên quyết chính là các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm hơn với con trẻ. “Từ việc học hành, ăn uống đến mọi sinh hoạt thường ngày, người lớn phải sắp xếp khoa học, ngăn nắp ngay tại nhà để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho trẻ” - bác sĩ Thoa khuyên.

7.300 trẻ chết/ năm do tai nạn thương tích

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 830.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, trung bình khoảng 2.000 em/ngày. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 7.300 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, bình quân 20 em/ngày. Riêng TPHCM, mỗi năm, tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ trong độ tuổi 1-14. Đáng báo động là số ca chết do tai nạn này năm sau thường cao hơn năm trước. Địa điểm xảy ra tai nạn chủ yếu tại nhà, trên đường đi, ở trường học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGUYỄN THẠNH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN