Người chuyển giới sống “ngoài vòng pháp luật” đến bao giờ?

Không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật, nhiều người chuyển giới dường như đang sống “ngoài vòng pháp luật”…

Những người mang kiếp “ hồn trương ba, da hàng thịt"

Họ là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Theo thống kê của Viện sức khỏe môi trường y tế, hiện nước ta có khoảng nửa triệu người có xu hướng giới tính không trùng với giới tính hiện có (là nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại). Trong đó, có khoảng 500-1.000 người đã ra nước ngoài chuyển giới và trở về Việt Nam sinh sống.

Người chuyển giới sống “ngoài vòng pháp luật” đến bao giờ? - 1

Jessica - Nguyễn Hữu Toàn trải lòng những khó khăn phải trải qua

Nén nỗi buồn nơi khóe mắt, Jessica - chuyển giới nam sang nữ ở TP Hồ Chí Minh kể lại quãng đời mà em đã trải qua. Từ bé bố mẹ những tưởng em là nam nên từ tên tuổi, quần áo, đầu tóc đều được mặc định là con trai. Càng lớn, Jessica càng nhận rõ trong thẳm sâu tâm hồn em khát khao được mặc váy, để tóc dài và mong manh trước nam giới…

Năm năm trước, Jessica đã sang Thái Lan để được phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ. Đến giờ, Jessica cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật em cũng giống như nhiều bạn đồng cảnh ngộ lại rơi vào tình cảnh éo le.

“Mỗi khi đi đâu phải dùng đến chứng minh thư thì tụi em lại gặp rất nhiều khó khăn do tên ghi là nam hoặc nữ nhưng hình dáng bên ngoài lại thể hiện ngược lại. Có những người bạn của em đăng ký tên đi làm là nam, khi đến là nữ cũng bị người ta đuổi việc. Em rất mong được đổi tên để đi lại thuận tiện nhưng đến giờ em chứng minh thư của em vẫn ghi là Nguyễn Hữu Toàn, giới tính là Nam” – Jessica nói.

Một trường hợp khác cũng éo le không kém là Lịch, sống tại Hà Nội. Lịch kể: Từ khi lên lớp 7 em đã muốn thể hiện như con trai nhưng bố mẹ không để ý vì cho rằng đó là sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ. Lớn lên sẽ thay đổi. Nhưng sau đó em đã công khai giới tính thật và ngay lập tức bố mẹ đưa em đến bác sĩ, thậm chí cả… thầy cúng.

“Tìm đủ mọi cách ngăn cản, nhưng em vẫn nhất quyết… thành đàn ông. Bố mẹ đã đánh cho em một trận nhừ tử. Tìm quên trong nỗi đau, em chỉ biết vùi đầu vào học, đậu thủ khoa một trường đại học rồi về làm cho công ty của gia đình. Những tưởng mẹ sẽ nhìn nhận lại em, nhưng mẹ chỉ vẹn vẹn một câu- mẹ không cần con giỏi, chỉ cần con bình thường để đi gặp đối tác để họ không nghĩ nhà mình sinh ra kẻ người không ra người, ngợm không ra ngợm. Câu nói này ghim vào đầu, thọc vào tim nhức buốt. Nhưng em chỉ có một khát khao duy nhất được thừa nhận đúng giới tính của mình”- Lịch nghẹn lời.

Cấm hay công nhận phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam?

TS. Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa chia sẻ, một trong những khó khăn mà cộng đồng người chuyển giới tại nước ta đang đối mặt đó là chưa cho những đối tượng này phẫu thuật chuyển giới, thay đổi chứng minh thư, tên... Không được thừa nhận về pháp lý lẫn trong cuộc sống, người chuyển giới còn thiếu những dịch vụ chăm sóc y tế. Họ không dám đi khám tại các cơ sở y tế vì sợ bị kỳ thị nên thường tự dụng hóc môn, phẫu thuật cấy ghép chui và chịu hậu quả không tốt cho sức khỏe, thậm chí đã có trường hợp tử vong do tự tiêm hóc môn quá liều.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Thế Huy, Cán bộ pháp lý Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, tại Nghị định 88 cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính có bộ phận sinh dục xác định rõ là nam hay nữ. Trong khi người chuyển giới không có sự khiếm khuyết về bộ phận sinh dục, không phải là người liên giới.

Chính vì quy định này khiến, họ không thể phẫu thuật trong nước, mà phải ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật. Theo ông Huy, đã đến lúc xã hội và Nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới cả trên phương diện pháp lý và đời sống thực tế.

Chung quan điểm này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện dự thảo luật Bộ luật dân sự sửa đổi do Quốc hội đang đưa ra lấy ý kiến toàn dân có hai xu hướng. Một là không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay chúng ta vẫn đang thực hiện. Hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quan điểm của TS Quang nên thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam. Sở dĩ TS Quang đưa ra quan điểm này bởi, rõ ràng trên thực tế dù luật pháp đang cấm nhưng vẫn có nhiều người ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới rồi quay lại Việt Nam sinh sống. Điều này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu, mà đáng ngại nhất, những người này phần lớn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui”, tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Chưa kể khi về Việt Nam sinh sống do pháp luật chưa cộng nhận nên mọi giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có khiến họ gặp không ít khó khăn.

“Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, khi một người chấp nhận chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hóc môn hàng ngày thì họ đã tự tước đi 20 năm được sống (do tuổi thọ của người chuyển giới thường giảm 20 năm). Chưa kể họ sẽ không được thỏa mãn về tình dục, không thể có con khi quan hệ thông thường. Tất cả những thiệt thòi đó tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới, nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình, vì thế, tôi cho rằng họ có quyền được sống thật với giới tính của mình. 

Họ khao khát sống thực với giới tính của mình đến mức không cho phép vẫn “vượt rào” chuyển giới dù tiềm ẩn vô cùng rủi ro. Khi trở về Việt Nam, dù không được pháp luật công nhận chúng ta cũng không thể bắt họ quay trở về hình hài cũ, cũng không thể “tiêu hủy sản phẩm” như một sản phẩm sai phạm. Vì thế tôi cho rằng không thể né tránh, phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số tường hợp đặc biệt”- TS Quang cũng nhấn mạnh.

Theo TS Quang thì nếu được thông qua, thì cũng cần có những quy định chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng chuyển giới tính do tâm lý đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Trước đó, vào năm năm 2005, Bộ Y tế đã đề xuất thừa nhận chuyển đối giới tính nhưng không được Quốc hội thông qua. Hiện chỉ có hơn 20 quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính. Riêng khu vực châu Á có 5 nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan thừa nhận việc chuyển giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.Huyền (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN