Đi tìm rào cản tiếp cận BHYT của người sống với HIV

Nhiều rào cản đang khiến người nhiễm HIV chưa thể tiếp cận với Bảo hiểm Y tế để chữa trị bằng thuốc ARV.

Đi tìm rào cản tiếp cận BHYT của người sống với HIV - 1

Ông Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS chủ trì hội thảo.

Ngày 30.8, tại TP.HCM, Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng, chống AIDS TP.HCM, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Tổ chức FHI 360 (USAID/SMART TA) cùng các đơn vị liên quan, đã tổ chức hội thảo “Rào cản trong tiếp cận Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người sống chung với HIV”cũng như bàn luận những giải pháp cho vấn đề này.

Đến nay, thuốc ARV đang là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khoẻ của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch bệnh. Tất cả thuốc kháng vi-rút HIV (ARV) là miễn phí và chủ yếu từ nguồn thuốc viện trợ quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, do đó các nguồn viện trợ cho việc điều trị HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm và sẽ chấm dứt sau năm 2018, trong khi đây là một loại thuốc không rẻ. Khi đó, để cấp thuốc ARV cho 100% người nhiễm HIV tại Việt Nam vào năm 2019 thì chi phí dự tính có thể lên đến 900 tỉ đồng.

Đi tìm rào cản tiếp cận BHYT của người sống với HIV - 2

Bà Tiêu Thị Thu Vân - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS tại TP.HCM đang phát biểu.

Trong hội thảo, nội dung khiến các bên liên quan phải dành nhiều thời gian mổ xẻ, bàn luận, đó là câu hỏi của ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng nhóm G3VN: “Một số anh, chị hiện không mua được BHYT vì không có giấy tờ tùy thân. Họ gửi tiền cho các nhóm để nhờ mua giùm mà vẫn không thể giải quyết được. Ngoài ra, có trường hợp bệnh nhận bị trả về, chờ chết nhưng tiếp tục sử dụng thuốc ARV vẫn sống được 10 năm qua. Sau đó, người này tìm đến phường, quận để hỏi mua BHYT thìđều không được chấp nhận vì bị cho là… đã chết”.

Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc tham gia BHYT theo hộ gia đình đối với các gia đình có bệnh nhân nhiễm HIV cũng được nêu ra. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế chỉ cho phép cá nhân người bệnh tham gia BHYT, còn các thành viên khác chưa thể; hay một gia đình có nhiều thế hệ nhưng chưa đạt được sự đồng thuận trong việc tham gia BHYT, trong khi gia đình ấy lại có một thành viên bị nhiễm HIV và rất cần tới những lợi ích của BHYT,…

Về các vấn đề này, bà Tiêu Thị Thu Vân - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS tại TP.HCM cho rằng, việc đầu tiên, các gia đình cần phải tính toán lại toàn bộ chi phí tham gia BHYT cho cả gia đình của mình, bởi có thể có những thành viên đã được nhà nước hay công ty hỗ trợ chi phí tham gia BHYT. Nếu thật sự gia đình không đủ khả năng mua BHYT thì trung tâm có thể hỗ trợ lập danh sách những cá nhân, gia đình đó để xin chính sách hỗ trợ.

“Mục tiêu là 100% người dân phải tham gia BHYT nhưng nguồn tiền mua BHYT từ đâu, đó là vấn đề chúng ta sẽ cùng nhau tháo gỡ”, bà Vân nói trong hội thảo.

Theo bà Vân, thực tế, cá nhân có thể đăng ký tham gia BHYT thông qua các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại địa phương chứ không nhất thiết phải mua theo hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng bị kỳ thị và lộ thông tin khi đăng ký như vậy.

“Nếu một người không có giấy tờ tùy thân thì rất khó tham gia BHYT cũng như nhiều hoạt động khác trong đời sống xã hội. Nếu tham gia BHYT theo cá nhân thì giá thành sẽ rất cao, còn theo nhóm gia đình thì sẽ thấp hơn nhiều”, bà Vân nói.

Đi tìm rào cản tiếp cận BHYT của người sống với HIV - 3

Diễn viên Hồng Ánh là một trong những nhân vật quan trọng trong các hoạt động của nhóm VNP+.

Song giải pháp nào để giúp những người bị HIV/AIDS chưa có giấy tờ tùy thân cũng được tham gia được BHYT thì hội thảo chưa tìm ra lời giải. Mặc dù vậy, “nút thắt” trong vấn đề này được cho là liên quan tới bộ phận tư pháp và công an các quận, huyện. Do đó, với vai trò chủ trì hội thảo, ông Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đề nghị những buổi hội thảo sau nên mời thêm đại diện công an, Sở Tư pháp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham dự.

Thông qua hội thảo này, VNP+ cũng đã giới thiệu giải thưởng Dải Băng Đỏ. Đây là giải thưởng nhằm mục đích biểu dương những người sống với HIV mà tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, đồng thời thúc đẩy chương trình điều trị kháng vi-rút, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV.

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, tính đến tháng 6.2016, chỉ có 10.544 người nhiễm HIV (chiếm tỉ lệ 36% tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV tại TP.HCM) có thẻ BHYT. Trong đó, chỉ có hơn 1/3 sử dụng thẻBYHT để thanh toán cho các dịch vụ HIV. Cứ 3 bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam thì có một bệnh nhân sống tại TP.HCM.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Phòng chống AIDS, đến hết 30.6.2016, toàn quốc có khoảng trên 110.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN