Ngừng ngay việc chữa bệnh viêm tai giữa cho con bằng "bác sĩ Google"

Mỗi khi con ốm, chảy nước mũi các bà mẹ lại lên mạng để tìm kiếm thông tin rồi tự lấy đơn thuốc, các chia sẻ trên mạng về để chữa cho con mà không biết việc này gây nguy hiểm cho con.

Ngừng ngay việc chữa bệnh viêm tai giữa cho con bằng "bác sĩ Google" - 1

PGS Lê Công Định cho biết bệnh viêm tai giữa nguy hiểm và việc chẩn đoán viêm tai giữa rất khó.

Bệnh có thể gây tử vong

PGS Lê Công Định – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cảnh báo về căn bệnh viêm tai giữa ở trẻ em vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây nghe kém, điếc, với trẻ nhỏ, gây cản trở quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ. Nguy hiểm hơn, vi trùng xâm nhập từ tai giữa qua màng xương gây viêm não. Thậm chí gây áp-xe não ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngoài ra, viêm tai giữa là nguyên nhân hàng đầy gây nên chứng thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, ảnh hưởng trực tiếp lên sự phát triển bình thường của thông bào xương chũm… thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức nghe của người bệnh.

Bệnh viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vì vòi nhĩ ở trẻ nhỏ ngắn hơn, hẹp hơn, nằm ngang hơn so với người lớn. Nếu trẻ 1 tuổi bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần, không được điều trị dứt điểm, khi lớn lên sẽ bị những đợt viêm tai giữa tái phát và thành bệnh mãn tính.

Trường hợp của bé Nguyễn Tuấn M. trú tại Hà Nội được mẹ bé cho đến bệnh viện khám với các dấu hiệu chảy mủ ở tai. Mẹ của bé cho biết lúc đầu thấy con đau tai, chị lên mạng tìm kiếm cảnh báo có thể là viêm tai nên chị ra ngoài mua thuốc về cho con uống nhưng tình trạng không dứt mà ngày càng nặng lên. Đến khi đến bệnh viện, bác sĩ nội soi tai cho biết đó viêm tai do vi khuẩn từ vùng vòm mũi họng chuyển sang tai gây nên.

Hay trường hợp của bé Nguyễn An N. 3 tuổi trú tại Hà Đông, Hà Nội. Mẹ của bé thấy con kêu đau tai, chị thấy tai con có dịch và mùi hôi. Chị vội vàng lên mạng tìm kiếm và nghĩ rằng viêm tai giữa. Chị ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh cho con uống và thuốc bột rắc vào tai.

Kết quả, tai của bé càng ngày càng đau và bé sốt, quấy khóc suốt ngày, gia đình mới đưa con đến bệnh viện. Tại Bệnh viện bác sĩ cho biết việc rắc bột vào tai của trẻ có thể gây biến chứng viêm não. Vì khi rắc thuốc bột vào tai, những tá dược có trong thuốc viêm sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch sẽ dẫn tới tình trạng dịch viêm không thoát được ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm hay thậm chí gây biến chứng nội sọ.

Có trường hợp mẹ thường xuyên lấy xilanh rửa mũi cho con vì nghĩ đây là cách xục rửa tốt nhất. Tuy nhiên, vì ống tai của trẻ ngắn với đặc điểm nằm ngang nên xịt nước vào mũi thì nước ra lối ống tai qua đường vòi nhĩ. Vòi nhĩ là nơi thông từ ống tai đến vòm mũi họng nằm ngang nên việc xịt rửa mũi có thể khiến nước đưa vi khuẩn từ vòm mũi họng vào ống tai gây nên viêm tai giữa ở trẻ. 

Khó chẩn đoán viêm tai giữa

Nguy hiểm nhưng theo PGS Định không phải ai cũng biết vì nó rất khó chẩn đoán. Ngay cả các bác sĩ chuyên khoa nhi chỉ dùng đèn sáng soi vào ống tai cũng không thể chẩn đoán được đâu là viêm tai giữa.

Đặc thù ở trẻ nhỏ rất khó khám tai vì các bé hay khóc và không hợp tác với bác sĩ, khi khóc, màng nhĩ của trẻ đỏ lên nên rất nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm.

PGS Định cho biết để chẩn đoán viêm tai giữa chính xác bắt buộc phải có máy nội soi tai ở các bệnh viện chuyên khoa, phòng khám chuyên khoa. Các bác sĩ phải làm sạch ráy tai mới chẩn đoán được chính xác viêm tai giữa.

PGS Định khuyến cáo việc các bậc phụ huynh chữa bệnh bằng truyền nhau bằng kinh nghiệm, qua bác sĩ google có mặt tích cực như thêm kinh nghiệm hiểu biết nhưng nó cũng có mặt hạn chế. Chính vì vậy nên tuyệt đối không tự ý mua đơn thuốc mà chỉ xem thông tin để có kinh nghiệm, chẩn đoán triệu chứng để đưa trẻ tới bác sĩ sớm nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Thúy (Infonet)
Google Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN