Gặp một gia đình có 2 bố con hiến giác mạc

“Tuy bố và chị gái tôi vĩnh biệt thế gian này nhưng vẫn còn một phần thân thể của họ sống có ích cho người khác”, ông Hoàng Văn Tiện (Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ.

Cả gia đình sẽ hiến mắt khi qua đời

Tại Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc ngày 28/11, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Hoàng Văn Tiện (63 tuổi, Kim  Sơn, Ninh Bình) – người trong gia đình có hai người đã hiến tặng giác mạc.

Ông Tiện chia sẻ: Dân gian có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, những người mù lòa ngày cũng như đêm phải đi dò dẫm từng bước hoặc phải có người dắt, họ phải dựa dẫm vào người thân trong gia đình. Với ông Tiện,  để lần từng bước đi là điều vô cùng cơ cực.

Ông được biết, nếu được ghép giác mạc thì những người mù có thể nhìn thấy ánh sáng thoát khỏi cảnh dò dẫm từng bước đi.

“Khi một người qua đời, gia đình có đem chôn cất hay hỏa thiêu thì tất cả các bộ phận cũng tan biến thành tro đất nhưng nếu hiến tặng giác mạc để các bác  sĩ ghép cho người mù thì sẽ giúp họ thay đổi cuộc đời”, ông Tiện bày tỏ.

Gặp một gia đình có 2 bố con hiến giác mạc - 1

Ông Hoàng Văn Tiện (63 tuổi, Kim  Sơn, Ninh Bình)

Trong gia đình ông Tiện có bố đẻ và chị gái ông đã tự nguyện hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương. Họ muốn mang cơ hội nhìn ánh sáng mà không cần không điều kiện.

Tuy nhiên, bố và chị gái ông trong lúc hiến tặng giác mạc cũng gặp không ít khó khăn. Ông nói: “Có nhiều ý kiến, kêu khóc cho rằng bị khoét mắt, đã bị chết lại càng đau khổ hơn. Nhưng nhờ sự thuyết phục của chính quyền, con cháu tôi đã hiểu rõ được việc làm đầy ý nghĩa, nhân đạo cao cả này”.

Ông Tiện chia sẻ: “Tôi thấy, tuy bố và chị gái tôi vĩnh biệt thế gian này nhưng vẫn còn một phần thân thể nhỏ bé đang còn sống và sống có lợi cho người khác. Giờ đây, tất cả những người thân trong gia đình tôi đều đăng ký nếu khi qua đời sẽ tiếp tục hiến giác mạc cứu giúp người mù”.

Ông Tiện mong muốn, mọi người vì lòng tương thân tương ái, hãy ủng hộ, vận động hiến giác mạc, chia sẻ khó khăn, thiệt thòi cho những người không may bị mù đang sống trong đau khổ, tuyệt vọng.

Cũng tại buổi Lễ tôn vinh những người hiến giác mạc, anh Phạm Đức Thịnh, 28 tuổi (Hà Nội) người từng được nhận giác mạc từ người đã chết chia sẻ: “Tôi bị loạn giác mạc khi mới 14 tuổi. Qua thời gian mắt của tôi mờ dần phải ghép giác mạc. Đến nay, sau 2 năm kể từ ngày phẫu thuật, qua các lần kiểm tra mắt tôi đã hoàn toàn bình thường, thị lực phục hồi tốt”.

Anh Thịnh nói thêm: “Tự đáy lòng mình tôi vô cùng biết ơn người hiến giác mạc cho tôi cơ hội tìm lại ánh sáng cho cuộc đời mình. Bản thân tôi, sau này khi qua đời, tôi cũng hiến giác mạc và tôi sẽ vận động người thân hiến tặng giác mạc đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người không may mắc bệnh.

Còn 30 nghìn người mù cần tìm ánh sáng

PGS-TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Mắt Trung ương, cho biết theo ước tính Việt Nam có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng.

Gặp một gia đình có 2 bố con hiến giác mạc - 2

Ông Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Măt Trung ương trao tặng bằng khen cho đại diện các gia đình hiến tặng giác mạc trong những năm qua

Theo ông Hơn, phẫu thuật giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt cho biết, sau 5 năm đi vào hoạt động Ngân hàng Mắt mới tiếp nhận 461 giác mạc từ 235 người hiến giác mạc.

“Số lượng người hiến giác mạc còn quá ít so với nhu cầu gần 1.000 ca đăng ký ghép giác mạc hiện nay”, ông Hoàng nói.

Ngân hàng Mắt mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, trong việc tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến tặng giác mạc.

Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, tiếp nhận giác mạc không chỉ ở cộng đồng, mà còn xây dựng mạng lưới tiếp nhận giác mạc trong hệ thống các bệnh viện để tăng chất lượng các hoạt độn, thu nhận, đánh giá, bảo quản giác mạc tốt hơn. Bên cạnh đó phát triển thêm nhiều cộng tác viên ở các tỉnh thành, địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN