Mất con vì bất thường ở nhau thai

Sự kiện: Mang thai

Sinh non, sẩy thai, thai chết lưu, mẹ bị băng huyết v.v... là những biến chứng cực nguy hiểm khi lá nhau không phát triển bình thường.

Được hình thành ngay sau khi trứng vừa thụ tinh, nhau thai không chỉ là nơi cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho thai nhi mà còn giống như một chiếc đệm duy trì môi trường sống, bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng và các bệnh có hại để bé phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.

Đóng vai trò quan trọng liên quan đến sự sống còn của bào thai, nên một khi có những bất thường xảy ra ở cơ quan này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, thậm chí gây nguy hại đến cả tính mạng của 2 mẹ con. Sau đây là những bất thường phổ biến ở lá nhau mà các mẹ nên biết khi bước vào 40 tuần bầu bí:

1. Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai bất thường khá phổ biến, với tỷ lệ là 0,6% hay 1/167 thai kỳ (hình minh họa)

Là tình trạng bánh nhau bám vào phần dưới của vách tử cung, che 1 phần hay che kín cổ tử cung thay vì bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung như thông thường. Phần nhau này sẽ nằm chắn phía trước thai nhi lúc thai di chuyển xuống đường sinh khi người mẹ bắt đầu chuyển dạ. Do thai nhi không thể di chuyển xuống đường sinh mà không đẩy lá nhau, ngăn chặn nguồn máu cấp cho bé. Vì vậy, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai.

Căn cứ vào vị trí bám của bánh nhau, người ta chia nhau tiền đạo ra làm 3 loại: nhau tiền đạo bám thấp, bán trung tâm và bán trung tâm hoàn toàn. Dù nguyên nhân chính xác chưa được xác định rõ ràng, nhưng thai phụ nằm trong các trường hợp sau thường dễ bị nhau tiền đạo: sinh nhiều lần, nạo thai hay sẩy thai nhiều lần, viêm nhiễm tử cung trước đó, có nhau tiền đạo ở lần mang thai trước v.v… Do vị trí bám bất thường nên nhau tiền đạo làm cho người mẹ ra huyết âm đạo gây thiếu máu, nếu mất quá nhiều máu có thể tử vong. Với thai nhi, nhau tiền đạo làm mẹ thiếu máu nên bào thai dễ bị suy dinh dưỡng, suy thai, phải mổ lấy thai sớm, làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi thai bất thường như ngôi mông, ngôi ngang v.v…

Khi bị nhau tiền đạo, mẹ có thể ra huyết khi đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp …, hoặc chảy máu âm đạo đột ngột trong 3 tháng cuối thai kỳ, máu đỏ tươi, có ít hoặc nhiều máu cục kèm đau bụng, triệu chứng này có thể lập lại nhiều lần, và những lần sau máu ra nhiều hơn những lần trước v.v… Tùy theo diễn biến nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ có những hướng điều trị khác nhau: chấm dứt thai kỳ hoặc dưỡng thai,  nếu thai đã ở tuần 38 trở lên sẽ được chỉ định mổ đẻ. Để đề phòng nhau tiền đạo, chị em cần hạn chế sinh đẻ quá nhiều, không nạo phá thai nhiều lần, giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ và tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kỳ.

2. Nhau bong non

Là trường hợp nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi sổ thai do sự hình thành khối máu tụ sau nhau. Khối máu tụ này lớn dần làm bong dần bánh nhau khỏi thành tử cung, cắt đứt trao đổi tuần hoàn giữa mẹ và con gây hậu quả tất yếu là mẹ bị mất máu nghiêm trọng, bị biến chứng rối loạn đông máu, vô niệu, có thể gây tử vong cho thai nhi và đe dọa tính mạng mẹ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa được biết rõ nhưng có những yếu tố thuận lợi sau: thường gặp ở thai phụ sinh từ 2 con trở lên, hoặc người mẹ bị huyết áp cao nhiễm độc thai nghén, do sang chấn như bị chấn thương trực tiếp vào bụng, do dấu kim đâm vào lá nhau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau nhau, do thủ thuật xoay thai không đúng làm co kéo dây rốn gây bong nhau v.v…

Mất con vì bất thường ở nhau thai - 1

 Xuất huyết âm đạo là 1 trong những dấu hiệu mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý, vì có thể là cảnh báo của tình trạng nhau bong non (hình minh họa)

Nhau bong non được bác sĩ chia làm 3 loại tùy theo mức độ nặng nhẹ:

- Nhẹ: Mẹ sẽ bị xuất huyết rất ít. Cách chữa trị tốt nhất trong trường hợp này là nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động và siêu âm theo dõi tình trạng. Nếu xảy ra vào cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định giục sinh.

- Trung bình: Áp dụng cho lá nhau đã tách ra đến 1/4, người mẹ bị chảy máu từ 0,5 – 1 lit. Trường hợp này, thai phụ cần được tiếp máu và nếu như đến hoặc gần đến ngày sinh sẽ mổ bắt con.

- Nặng: Đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nguy hiểm, khi 2/3 lá nhau đã tách rời khỏi thành tử cung và lượng máu bị mất có thể lên đến 2 lit. Người mẹ lúc này bị choáng nặng, rối loạn đông máu, thận hoàn toàn không hoạt động. Nếu gần đến ngày sinh, bác sĩ sẽ tiến hành giải phẫu để cứu thai nhi, nếu nhau bong trước 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi tử vong là điều không thể tránh khỏi.

Nhau bong non nếu ở mức độ nhẹ sẽ gây sinh non và sốc ở mẹ do mất nhiều máu, nặng hơn là tình trạng thiếu oxy dẫn đến thai nhi bị bại não và tử vong, chiếm đến 15% ca tử vong bào thai, người mẹ bị cắt bỏ tử cung nếu không thể kiểm soát được việc mất máu sau sinh v.v…Do đó, dù không thể trực tiếp ngăn chặn tình trạng này nhưng mẹ bầu có thể tránh xa các nguy cơ như không hút thuốc hay dùng chất gây nghiện, phải được kiểm soát kĩ về sức khỏe khi bị huyết áp cao trong thai kỳ, tuân thủ lịch khám thai định kỳ, làm việc không quá sức, cẩn thận trong di chuyển, đi lại… Nếu đã có tiền sử nhau bong non, mẹ bầu cần tham vấn và chăm sóc sức khỏe chu đáo trong lần mang thai tiếp theo. Khi xác định bị nhau bong non, cần theo dõi sát sao tình trạng thai nhi, mẹ và sự co bóp của tử cung để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.

3. Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là tình trạng nhau không bám như bình thường mà vượt quá lớp niêm mạc tử cung bám quá sâu vào tử cung, có thể bám rất chắc vào cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, lớp thanh mạc tử cung để xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột nên nhau không tróc được tự nhiên sau sinh, gây băng huyết nặng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi nhất là khi sinh ở cơ sở không có điều kiện hồi sức, truyền máu hay phẫu thuật sản khoa. Ngoài ra, nhau cài răng lược còn gây sót nhau dẫn đến nhiễm trùng sau sinh, sinh non, cắt tử cung, cắt 1 phần bàng quang hay trực tràng, dò bàng quang, âm đạo, trực tràng v.v…

Mất con vì bất thường ở nhau thai - 2

Cao huyết áp có thể dẫn đến tình trạng nhau bong non, vì vậy mẹ bầu cần hết sức lưu ý nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này trong thai kỳ (hình minh họa)

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược như mẹ bầu bị nhau tiền đạo, có mổ lấy thai trước đó và tỷ lệ bị nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai (mổ lấy thai lần 1 thì nguy cơ bị nhau cài răng lược ở đợt mang thai tiếp theo tăng 4,5 lần, mổ lần 2 thì nguy cơ tăng lên đến 11,3 lần), người mẹ có tiền căn bóc nhân xơ tử cung, bị u xơ tử cung dưới niêm mạc, mang thai trên 35 tuổi, hoặc có tiền căn nạo phá thai, nhất là nạo phá thai nhiều lần… Khi bị nhau cài răng lược, nếu nhẹ người mẹ sẽ được bồi hoàn máu và tử cung tự cầm máu, nặng hơn có thể phải cắt tử cung và mô xung quanh hoặc phẫu thuật bảo tồn tử cung. Dù không thể tránh hoàn toàn nhưng chị em có thể đề phòng bị nhau cài răng lược bằng cách không hoặc hạn chế tối đa việc nạo phá thai, thăm khám kỹ trước và trong khi có thai v.v….

4. Suy nhau

Trong suốt thai kỳ, bào thai nhận dưỡng khí, chất dinh dưỡng, thải ra khí CO2 và các chất thải khác thông qua lá nhau và các mạch máu của dây rốn. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, nhau có thể không có khả năng tiếp tế cho thai nhi 1 cách đầy đủ vì các nguyên nhân sau: lá nhau không phát triển đầy đủ, lượng máu chảy qua nhau bị hạn chế hoặc các mô nhau bị mất do máu đông cục, nhau tách khỏi thành tử cung 1 phần hay toàn phần, nhau quá nhỏ hoặc kém phát triển, bào thai quá ngày vì thế nhau cấp dưỡng chất không đủ cho thai nhi hay người mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Có thể nhận biết nhau bị suy khi thai phụ tăng cân quá ít, tử cung lớn chậm hoặc thai nhi phát triển dưới mức bình thường.

Sau tiến hành các kiểm tra chuyên môn và đo biểu đồ thai máy, nếu tình trạng suy chức năng nhau đã được xác định, bác sĩ sẽ phải chỉ định giục sinh hoặc mổ bắt con khi mẹ bầu đang ở những tháng cuối của thai kỳ.

5. Phù nhau thai

Phù nhau thai là 1 bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích, trọng lượng và làm mất các chức năng của lá nhau, thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường về tim mạch, lồng ngực, đường tiêu hóa v.v… Có nhiều nguyên nhân gây phù nhau thai như mẹ bị nhiễm trùng, nhiễm độc ở nửa đầu thai kỳ do vi khuẩn hay siêu vi như Rubella, do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ, ngộ độc bào thai do mẹ uống rượu bia, tiếp xúc hóa chất v.v…

Nhau thai bị phù sẽ không thể tiếp tục nuôi dưỡng bào thai do đó cần phải chấm dứt thai kỳ, nếu không thai sẽ bị chết lưu trong bụng mẹ. Trong trường hợp sinh ra, vì non tháng hoặc do nhiều bệnh lý kèm theo nên bé thường không sống được, mẹ lại dễ bị băng huyết. Để phát hiện sớm và dự phòng bệnh lý nguy hiểm này, trước khi có thai chị em cần tiêm phòng 1 số bệnh siêu vi như Rubella, cúm v.v…, tránh tiếp xúc các chất độc hại như hóa chất, chì, không hút thuốc, uống rượu bia, đặc biệt không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Miêng ([Tên nguồn])
Mang thai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN