Kẹp niềng răng "quên" trong phế quản suốt 8 năm

Bệnh nhân H. cho biết, cách nay khoảng 8 năm có đặt niềng răng và không biết niềng răng bị mất khi nào. Vì cuộc sống mưu sinh tất bật nên bệnh nhân cũng không quan tâm và bỏ qua đến nay có biến chứng mới biết mình đã nuốt vào trong và lọt vào phế quản.

Sáng 25.4, TS- BS Nguyễn Văn Thành - Trưởng Khoa Nội Hô hấp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, ê kíp bác sĩ khoa này vừa thủ thuật nội soi gắp thành công dị vật là một kẹp kim loại dùng để niềng răng trong phế quản của một bệnh nhân nam bị bỏ quên từ nhiều năm.

Đó là Nguyễn Th. H., 39 tuổi, làm nghề đập đá, đang sống tại Kiên Giang. Bệnh nhân H. nhập viện lúc 16 giờ 30 ngày 16.4, với triệu trứng nặng ngực, khó thở, ho đàm xanh hơn một tháng nay. Triệu chứng trên tái đi, tái lại nên đã đi khám bệnh bác sĩ nhiều lần và đã được x- quang ngực nghi dị vật phế quản cản quang nên đến khám tại BVĐKTW Cần Thơ và được nhập viện và khoa Hô Hấp.

Kẹp niềng răng "quên" trong phế quản suốt 8 năm - 1

Phim chụp dị vật trong phế quản bệnh nhân H.

Các bác sĩ tiến khoa Hô hấp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cho bệnh nhân chụp lại X- quang, phát hiện dị vật là một vật kim loại, khép góc dạng chữ V nằm ở phế quản thùy giữa P. Dị vật có độ mở khoảng 40 độ, chiều dài mỗi cánh khoảng 2cm.

Do dị vật nằm rất lâu ở phế quản nên hai nhành của dị vật bám mủ. Một nhánh dị vật đâm xuyên vào trong thành phế quản làm niêm mạc chảy máu nhẹ. Nên việc nội soi để gắp dị vật gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi nội soi gắp thì đầu dị vật lại đâm sâu vào trong thành phế quản, gây chảy nhiều, các bác sĩ phải ngưng thủ thuật cầm máu.

Sau đó các bác sĩ chuyên khoa gây mê, hô hấp, TMH và ngoại lồng ngực hội chẩn và nội soi lần thứ 3 ê kíp bác sĩ mới gắp được dị vật ra thành công. Rất may dị vật là kim loại nên ít gây biến chứng. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã khỏe, có thể xuất viện trong ngày hôm nay.

Bệnh nhân H. cho biết, cách nay khoảng 8 năm có đặt niềng răng và không biết niềng răng bị mất khi nào. Vì cuộc sống mưu sinh tất bật nên bệnh nhân cũng không quan tâm và bỏ qua đến nay có biến chứng mới biết mình đã nuốt vào trong và lọt vào phế quản.

TS Bác sĩ Nguyễn Văn Thành khuyến cáo: Hít dị vật vào khí phế quản có thể là một tình huống cấp cứu, nhất là ở trẻ em. Trong những trường hợp như vậy, triệu chứng phổ biến là ho, thở rít và khó thở cấp tính. Biết được bệnh sử sặc hít kết hợp với triệu chứng lâm sàng thông thường giúp cho định hướng chẩn đoán dễ dàng.

Tuy nhiên trên trẻ em do không biết khai bệnh và người lớn thường không chứng kiến được sự việc nên chẩn đoán khó khăn hơn. Cần nghĩ đến dị vật khi khám một trẻ có các triệu chứng hô hấp rất cấp tính để có thái độ xử trí kịp thời. Với hỗ trợ của X-quang, thông thường dễ chẩn đoán được dị vật, nhất là dị vật cản quang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Cẩm (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN