Cắt giảm chi phí thuốc BHYT: Nhiều người bỏ điều trị

Sau hơn 3 tuần Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực, nhiều bệnh nhân phản ánh họ bị rơi vào thế “khó” vì bị BHYT giảm thanh toán một số loại thuốc điều trị ung bướu và không thanh toán chi phí cho bệnh nhân khám bệnh vượt tuyến.

Thêm gánh nặng cho người bệnh

Có mặt tại Bệnh viện K chiều 20.1, phóng viên tiếp xúc với chị Trần Thị Lê (Kỳ Sơn - Nghệ An). Chị Lê buồn rầu kể: "Mấy tháng gần đây tôi thấy sức khỏe yếu, hay vã mồ hôi, nước tiểu vàng, sụt cân. Tôi đã đến Bệnh viện huyện để khám nhưng bác sĩ chỉ kết luận là suy nhược cơ thể, kê cho một số loại thuốc bổ. Sau khi dùng thuốc bổ, cơ thể tôi vẫn yếu, hay mệt mỏi, không thể làm việc".

Chị Lê cho biết, đến bệnh viện chị phải làm rất nhiều xét nghiệm, chụp chiếu, cộng với chi phí đi lại, ăn ở mất vài triệu đồng. "Nếu như trước kia, tôi chỉ phải chi trả 70% còn lại BHYT trả, nhưng giờ tôi phải trả toàn bộ chi phí. Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì không sao, nhưng với hai vợ chồng đều là nông dân thì đây là mối lo lớn", chị Lê trăn trở.

Đồng cảnh ngộ với chị Lê là ông Lý Văn Tâm (60 tuổi, ở Đông Triều - Quảng Ninh).

Theo lời ông Tâm, ông bị kết luận ung thư phổi. Ông Tâm cho biết lúc trẻ hành nghề xe ôm để kiếm sống qua ngày, nhưng mấy năm gần đây do tuổi cao sức yếu nên phải nghỉ, tiền sinh hoạt đều do con cái trợ giúp. Để lặn lội được từ Đông Triều - Quảng Ninh lên khám bệnh, ông Tâm phải tiết kiệm chi tiêu.

"Đối với tôi, việc tiết kiệm chi phí dù chỉ là ít ỏi cũng rất đáng quý. Khi phát hiện mình mắc trọng bệnh mà chi phí khám bệnh cũng phải thanh toán toàn bộ, tạo gánh nặng cho con cái, tôi rất lo lắng. Tôi cũng không chạy chữa làm gì, vì có sống thêm cũng chỉ tạo gánh nặng cho con cái”, ông Tâm thở dài.

Cắt giảm chi phí thuốc BHYT: Nhiều người bỏ điều trị - 1

Rất nhiều bệnh nhân bỏ điều trị vì chi phí thuốc quá cao (ảnh minh họa).

Ngoài ra, theo phản ánh của bệnh nhân, hiện một số bệnh viện lạm dụng xét nghiệm. Có người bệnh xét nghiệm ở nơi này nhưng khi chuyển đến bệnh viện khác thì kết quả xét nghiệm trước đó không được chấp nhận. Vì thế, mỗi lần đi khám lại xét nghiệm mới, vừa tốn thời gian, vừa tăng chi phí.

Ông Phạm Đức Hồng (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) cho biết: "Tuần trước tôi bị đau đầu, chóng mặt nên đi khám ở Bệnh viện huyện, bác sĩ chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm nhiều, trong đó có xét nghiệm máu, nước tiểu. Tuần này khi xuống thăm con ở Hà Nội, tôi lại mắc triệu trứng tương tự, đến bệnh viện, bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu, mặc dù tôi đã trình bày mình vừa xét nghiệm trước đó chưa lâu".

"Cứ mỗi lần đi khám lại làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, trong khi đó thời gian cách nhau chưa lâu mà BHYT không thanh toán cho những bệnh nhân vượt tuyến ngoại trú như tôi là điều chưa hợp lý", ông Hồng bức xúc.

Chỉ định chụp chiếu để phát hiện bệnh sớm

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: Tâm lý vượt tuyến lên tuyến trên khám bệnh - một bộ phận xuất phát từ nhu cầu thực tế, không quan tâm đến chuyện kinh phí, muốn tìm kiếm một nơi chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Phần còn lại, mặc dù có quan tâm đến chi phí khám chữa bệnh, nhưng do thiếu niềm tin vào tuyến dưới nên vượt tuyến.

“Với quan điểm là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung bướu, tôi cho rằng, bệnh nhân nên tin tưởng vào tuyến dưới. Nếu người bệnh mặc nhiên vượt tuyến, sẽ tăng áp lực cho tuyến trên”, ông Thuấn nói.

Theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch, tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: Giả sử khi người bệnh đến khám tại BV Bạch Mai với triệu trứng đau đầu, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp. Khi bác sĩ chụp cắt lớp 100 bệnh nhân, chỉ phát hiện 2 bệnh nhân mắc chứng u não, khi đó 98 người còn lại không thể kết luận là bác sĩ lạm dụng chỉ định vì không có cơ sở. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, 2 bệnh nhân trên không thể phát hiện ra bệnh, hậu quả là tử vong. Như vậy, 2 bệnh nhân đó sẽ cảm thấy may mắn vì bác sĩ chỉ định chụp chiếu để phát hiện bệnh sớm.

TS Hùng cho biết, bệnh nhân khi bị đau bụng mà bác sĩ lại chỉ định khám tổng thể là sai nguyên tắc, là lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu, nhưng nếu bác sĩ căn cứ vào từng đối tượng để có chỉ định phù hợp thì là bình thường. Chẳng hạn: Người lớn tuổi, bác sĩ sẽ tập trung khám các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, ung thư…; với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi tập trung vào các nhóm bệnh liên quan đến thần kinh.

“Hiện Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên kiểm điểm, rà soát việc chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu của y, bác sĩ. Do vậy, tôi cho rằng tình trạng lạm dụng ít có cơ hội diễn ra”, TS Hùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN