Cấp cứu các chàng trai gặp cơn ác mộng mất tinh hoàn

Những vụ tai nạn gây tổn hại tinh hoàn có thể trở thành ác mộng kinh hoàng nhất của bất kỳ người đàn ông nào, đặc biệt là những thanh niên trẻ. Họ có thể không muốn sống nữa vì đã mất “kiếp làm chồng, làm cha”.

Đau đớn tột cùng vì "cậu nhỏ" gặp tai nạn

Mới đây nhất là một thanh niên 19 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) đang đi xe đạp thì bất ngờ phanh hỏng, xe không thể dừng nên cả người và xe bay thẳng vào gốc cây to. Vụ va chạm mạnh khiến thanh niên bị văng về phía trước, đập mạnh vùng kín vào tay lái xe đạp, khiến 2 tinh hoàn bị rơi ra ngoài.

Ở Việt Nam đã có những nạn nhân bị tổn thương tinh hoàn tương tự thế.

Tháng 7/2012, nam thanh niên 25 tuổi ngụ tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đang chạy xe máy thì bị ô tô buýt tông phải, kéo lê hàng chục mét, làm tổn thương "cậu nhỏ". Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận dương vật bị giập, đứt niệu đạo, riêng phần bìu bị rách da khiến hai tinh hoàn đứt lìa khỏi cơ thể. Tuy được khâu niệu đạo để phục hồi chức năng tiểu tiện, nhưng không thể lắp tinh hoàn lại cho nạn nhân.

Em Lê Đặng N. (9 tuổi, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng từng nhập viện cấp cứu vì tinh hoàn bên phải bị rơi hẳn ra khỏi "cậu nhỏ". Nguyên nhân do em bị ngã khi đang trèo lên song chắn ngang một cánh cửa, cách mặt đất khoảng 1m. 

Sau khi được sơ cứu ở trạm y tế, em được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Bình Định thì các bác sĩ mới phát hiện tinh hoàn bên phải của em đã mất. Ở nhà em, sau 1 giờ xảy ra tai nạn, người nhà vô tình thấy tinh hoàn bị treo lủng lẳng trên một cây đinh dài ở cửa, vội cho vào bao nilông nước đá, cấp tốc mang đến bệnh viện. Nhưng ca phẫu thuật vá lại "bìu" cho em N đã xong.

Cấp cứu các chàng trai gặp cơn ác mộng mất tinh hoàn - 1

Ca phẫu thuật cho thanh niên bị mất tinh hoàn

Nguyễn Minh Hoàng, 21 tuổi ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh gặp tai nạn ô tô, cũng bị văng hai tinh hoàn ra ngoài. Tuy được cứu sống sau 2 tuần nằm viện, nhưng cũng thôi rồi “kiếp làm chồng, làm cha”.

Một thanh niên khác 18 tuổi ở Cần Giuộc, Long An, gặp tai nạn giao thông được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng phần dưới của cơ thể bê bết máu. Kiểm tra tổn thương, các bác sĩ phát hiện bìu bị rách và hai hòn bi không còn.

Xử trí đúng cách sẽ giảm mất "khả năng" rất nhiều 

Theo các bác sĩ, tai nạn tinh hoàn không phải là hiếm gặp, hầu hết khiến bệnh nhân mất khả năng làm bố do tinh hoàn không được xử trí đúng cách sau khi có tai nạn.

TS – BS Nguyễn Thành Như, chuyên khoa Tiết niệu – Nam học, Hội Y học Giới tính châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tai nạn làm đứt tinh hoàn thường kèm theo tổn thương cơ quan lân cận như giập dương vật, tổn thương niệu đạo, xương chậu, bàng quang.

Để giảm thiểu hậu quả đau xót do mất tinh hoàn, các bác sĩ hướng dẫn:

Tinh hoàn đã lìa khỏi cơ thể vẫn có thể hồi phục sau 4-6 giờ đồng hồ nếu được bảo quản tốt.

-Trường hợp bị đứt một tinh hoàn: Cần tập trung giữ bộ phận còn lại. Làm sạch vết thương, khâu da bìu che phủ, chống nhiễm trùng. Thân nhân người gặp nạn, hoặc bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân cần giữ gìn tinh hoàn trong nước đá và chuyển ngay về bệnh viện cấp cứu nạn nhân.

-Trường hợp bị đứt cả hai tinh hoàn: Nên cho ngay cả hai tinh hoàn vào bao sạch, phủ đá lạnh bên ngoài. Nguyên tắc cứu chữa trường hợp này là làm sao duy trì chức năng sinh sản, nội tiết, thẩm mỹ của tinh hoàn, đồng thời vẫn bảo đảm chức năng của dương vật (tình dục và  tiểu tiện).

Về mặt thẩm mỹ, thiếu một tinh hoàn bệnh nhân sẽ mặc cảm. Nhưg bảo tồn được một tinh hoàn đã đảm bảo đủ khả năng làm cha, tinh hoàn còn lại có thể thẩm mỹ bằng một tinh hoàn giả (chi phí mua một tinh hoàn nhân tạo loại tốt khoảng 5 - 10 triệu đồng).

Bệnh nhân phẫu thuật gắn tinh hoàn nhân tạo rất cần ổ da bìu, vì vậy bác sĩ nên bảo tồn tối đa ổ da bìu cho bệnh nhân. Không nên dùng da bìu để đắp cho dương vật, vì dương vật có thể được che phủ bằng ghép da mỏng. Phẫu thuật gắn tinh hoàn nhân tạo chỉ nên thực hiện sau khi mọi chuyện đã êm xuôi, vài tháng sau tai nạn.

Quan trọng nhất khi sơ cứu tai nạn của nạn nhân bị tổn thương vùng kín là Bảo tồn được tinh hoàn đến một trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (tại TP HCM là Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, An Sinh, Vạn Hạnh). Đồng thời nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có khoa vi phẫu để nối tinh hoàn còn lại.

Nếu không may bị đứt cả hai tinh hoàn, không nên chuyển cả hai tinh hoàn đến bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu – Nam khoa, mà nên gửi một tinh hoàn tới các bệnh viện có khoa thụ tinh trong ống nghiệm để trữ mô tinh hoàn - nhằm tích trữ lại “con giống” của bệnh nhân.

Tinh hoàn còn lại cùng bệnh nhân sẽ được chuyển đến bệnh viện có phẫu thuật vi phẫu để nối mạch máu tinh hoàn, do các chuyên gia về vi phẫu thuật mạch máu thực hiện.

Khi bệnh nhân muốn có con, mô tinh hoàn sẽ được rã đông, trích tinh trùng trong đó để thụ tinh trong ống nghiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Giang (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN