Cảnh sát "đột kích" Phòng khám nạo phá thai

Cảnh sát vừa bắt quả tang một phòng khám ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) xử lý chất thải y tế sai quy định sau khi nạo phá thai.

Sau khi nạo phá thai cho các thai phụ, cơ sở này tiêu hủy chất thải y tế nguy hại bằng cách tống xuống bể phốt hoặc như vứt rác thông thường ra ngoài môi trường.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 223 triệu đồng đối với Phòng khám Đa khoa Phía Nam nằm trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) vì những vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải y tế nguy hại sai quy định.

Trước đó, một số nguồn tin phản ánh về sai phạm tại Phòng khám Đa khoa Phía Nam, Đội phòng chống tội phạm về y tế và an toàn thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Hà Nội) đã vào cuộc làm rõ.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở này được phép khám sản khoa, nạo hút phá thai theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong các ca nạo phá thai, cơ sở này đã xả thải, vứt rác thải y tế nguy hại trong đó có cả kim tiêm, bông băng dính máu, dịch truyền, nhau thai... ra môi trường không đúng quy định.

Cảnh sát "đột kích" Phòng khám nạo phá thai - 1

Phòng khám Đa khoa Phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt nặng vì xử lý chất thải y tế nguy hại sai quy định.

Một cán bộ điều tra còn cho biết, theo giấy phép, phòng khám này chỉ được nạo phá thai dưới 6 tuần tuổi. Nhưng qua thời gian các trinh sát, thực tế cho thấy, có thể có những thai phụ đã quá số tuần số tháng, khi đến đây vẫn được các cán bộ y tế ở đây phẫu thuật, phá thai theo yêu cầu.

Sau khi nạo hút thai, những chất thải y tế nguy hại kia được tiêu hủy theo những rác thải thông thường hoặc xả đi theo đường vệ sinh, bể phốt.

Giám đốc Phòng khám Đa khoa Phía Nam là bác sĩ Đỗ Phú Đông. Hoạt động từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở này khám và phẫu thuật cho khoảng 20 bệnh nhân.

Cách đây ít lâu, Phòng khám Đa khoa Phía Nam cũng từng bị lập biên bản xử phạt về hành vi hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn cho phép.

Theo quy định pháp luật, Phòng khám này đã vi phạm 4 hành vi gồm: Không có bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường. Không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại với nhau hoặc lẫn với chất thải khác. Chuyển giao chất thải nguy hại cho cá nhân không đủ điều kiện về vận chuyển xử lý, tiêu hủy. Sử dụng giấy phép quá thời hạn quy định.

Các chất thải y tế nguy hại bao gồm: chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, rau thai, bào thai); chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học nguy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN