Bộ Y tế nâng cảnh báo phòng chống virus Zika lên cấp độ 2

Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo lên cấp độ 2 để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này dù chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus Zika

Bộ Y tế nâng cảnh báo phòng chống virus Zika lên cấp độ 2 - 1

Người dân chủ động diệt muỗi, lăng quăng bằng cách úp các vật dụng chứa nước sau khi sử dụng (ảnh: Quang Hải)

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thông tin, tính đến ngày 30.3, đã có 61 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Dịch bệnh Zika đang là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Từ đầu năm 2016 đến nay, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu bệnh phẩm để tìm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố đều cho kết quả âm tính với virus Zika.

Về 4 mẫu bệnh phẩm tại Khánh Hòa một số báo thông tin xét nghiệm nhầm dương tính với virus Zika, ông Viên Quang Mai, Viện trưởng viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Không phải xét nghiệm nhầm, chúng tôi lấy mẫu là đối tượng bệnh nhẹ từ đầu của bệnh nhân ở Tp Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh cho kết quả dương tính. Chúng tôi gửi ra Viện vệ sinh dịch tễ TƯ thì khẳng định chưa đủ độ tin cậy: âm tính, nên sẽ mời các chuyên gia cùng có xét nghiệm liên phòng để khẳng định cho chính xác. Bao giờ có kết luận chính xác Bộ Y tế sẽ công bố”.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với virus Zika.

Theo bà Tiến, với tình hình lây lan bệnh, điều diện khí hậu và các nước láng giềng đều ghi nhận có bệnh nhân dương tính với virus Zika thì nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam và lây lan tại cộng đồng là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ Y tế đã nâng cấp báo động lên mức 2. Hiện công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát, điều trị… đều đã được triển khai.

"Rút kinh nghiệm từ du khách người Úc đến nay, chúng ta vẫn chưa nắm được lịch trình cụ thể khi ở Việt Nam nên không khẳng định được bị nhiễm Zika từ đâu! Công tác kiểm dịch hàng không cần tập trung kiểm soát hành khách đến từ vùng có dịch. Đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài cần thiết phối hợp với công an cửa khẩu có tờ khai riêng để nếu có trường hợp khi qua máy đo thân nhiệt chưa sốt nhưng vào Việt Nam và về cộng đồng phát hiện nhiễm Zika thì kiểm soát được. Ngoài hàng không, việc kiểm dịch đường bộ cần kết hợp với du lịch y tế địa bàn, đơn vị quản lý tạm trú, khách sạn có nhiều người nước ngoài… để tầm soát. Đối tượng, địa bàn giám sát cần lưu ý những nơi nguy cơ có nhiều khách nước ngoài", Bộ trưởng Tiến khuyến nghị.

Ngay những tháng đầu năm, sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng. Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, cũng là muỗi truyền bệnh do virus Zika lưu hành phổ biến tại các tỉnh, thành trong cả nước. 80% bệnh nhân nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý ổ dịch triệt để. Thêm vào đó do chưa có miễn dịch trong cộng đồng và người dân còn chưa tự giác, chủ động thực hiện việc diệt muỗi, lăng quăng nên khi virus Zika xâm nhập vào nước ta dễ lây lan trên diện rộng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, không biết diễn biến dịch sẽ như thế nào khi vào mùa hè! Những tỉnh đã tham gia chiến dịch “người dân chủ động diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch SXH và virus Zika” phải sớm triển khai. Đặc biệt công tác truyền thông cũng lưu ý đế đối tượng là phụ nữ mang thai, khuyến cáo hạn chế đi du lịch ở những vùng có dịch, tiếp tục đẩy mạnh giám sát chứng đầu nhỏ tại các cơ sở sản nhi trong cả nước.

Việc thông tin về tình hình dịch bệnh Zika, lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ thông tin kịp thời, chính xác. Kết quả các phòng thí nghiệp phải có kiểm tra chéo lẫn nhau và phải có khẳng định cuối cùng để thông tin chính thức công khai không để người dân hoang mang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN