Bộ Y tế: Có khả năng bùng phát dịch tay chân miệng

Khuyến cáo của Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa, có khả năng gây thành dịch lớn.

Trước nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo về vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng. Theo Bộ này, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Bộ y tế khuyên các bậc phụ huynh thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Các bậc cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có khoảng 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương. Tuy con số này có giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng một số tỉnh, thành phố có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Lắk.

Bệnh thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Cục Y tế Dự phòng nhận định, bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Biến chứng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.

Hiện tại, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu nên nên chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân cho trẻ và cả người lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN