Bệnh nhi bị rết chui vào tai, bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa

Bác sĩ không phát hiện con rết trong tai bệnh nhi mà xác định bé bị viêm tai giữa, nhưng người mẹ nói sau khi về đã tự mình lấy được con rết trong tai con ra.

Bệnh nhi bị rết chui vào tai, bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa - 1

Các hình ảnh liên quan mà mẹ bệnh nhi đã gửi lên mạng xã hội

Ngày 19/8, trên mạng xã hội xuất hiện status của chủ tài khoản Facebook mang tên “Duy Diep Ngoc” nêu sự việc xảy ra với con của chị tại khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Theo những gì mà “Duy Diep Ngoc” cung cấp trên Facebook, chiều 19/8, con gái của chị là bé An (5 tuổi, ngụ Q.10, TPHCM) bị côn trùng bò vào tai trong lúc ngồi xem tivi, dựa vào tường. “Bé khóc thét, nhảy dựng, tay ôm lỗ tai. Mẹ ơi, con gì bò vào tai con đau quá! Mình lật đật chạy đến xem thì thấy tai bé đỏ lên. Không chần chừ, đưa bé đến bác sĩ nhi gần nhà nhất”, chị viết.

Bác sĩ soi tai em bé nhưng không thấy gì ngoài ráy tay và hướng dẫn nhỏ tai bằng nước muối sinh lý để có thể làm chết côn trùng. Nhưng sau khi nhỏ hết 2 chai nước muối với thao tác đổ vào, nghiêng ra thì bé An vẫn khóc.

Theo “Duy Diep Ngoc”, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ dùng dụng cụ soi vào tai và nói ngay “không thấy con gì hết” mà bé bị viêm tai giữa cấp, rồi kê đơn. “Mình do dự, băn khoăn và cố nói thêm: không phải đâu bác sĩ ơi. Bé con nhà mình bị đau dữ dội, từng cơn và bé nói con gì bò vào tai. Bác sĩ nói tiếp: viêm tai giữa đau lắm, đau như vậy và kéo dài 2-3 ngày mới hết. Bác sĩ cho toa thuốc về nhà uống, hẹn tái khám”.

Về nhà, bé An vẫn bị đau và tiếp tục khóc. Người mẹ quyết định dùng cây móc ráy tai thông thường và lôi ra một con rết con còn đủ chân, râu. Bỏ rết vào ly mấy tiếng đồng hồ sau vẫn còn sống.

Ảnh chụp toa thuốc cho thấy, bác sĩ N.P.N. là người đã khám cho bé An. Tiếp xúc với phóng viên, bác sĩ N. mong muốn được tái khám cho bệnh nhân để có thể bảo đảm sức khỏe cho em bé. “Về vấn đề con rết, tôi thực sự không hiểu nổi tại sao lại có thể xảy ra chuyện đó”, bác sĩ N. nói.

Một bác sĩ nhiều kinh nghiệm khác của bệnh viện giải thích thêm, có thể bác sĩ N. đã bỏ qua thao tác dùng đèn rọi tổng quát lỗ tai trước, mà sử dụng ngay dụng cụ soi tai chuyên dụng ấn vào lỗ tai bệnh nhi nên không thấy con rết.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM  đã triệu tập cuộc họp khẩn để làm rõ. Bác sĩ trưởng khoa đã yêu cầu bác sĩ N. rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này, cảnh cáo trước khoa, đồng thời báo cáo về Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)
Bệnh viêm tai giữa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN