Bé trai bị đuối nước ngừng tim thoát chết kỳ diệu

Bệnh nhân Đỗ Văn Đức (7 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) hôn mê sau ngừng tuần hoàn do đuối nước vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

Bé trai bị đuối nước ngừng tim thoát chết kỳ diệu - 1

Chị Chi chia sẻ niềm vui vì còn đứa con trai duy nhất sống sót sau đuối nước.

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ngày 5/6, chúng tôi mới chứng kiến niềm vui của gia đình anh Chi, chị Mơ. Anh chị là bố, mẹ của cháu Đức vừa bị đuối nước, may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Chia sẻ với phóng viên, chị Chi, mẹ cháu Đức kể, cháu vào viện cách đây 1 tuần do chiều ngày 28.5, cháu đi bơi cùng anh trai ở ao làng. Do không biết bơi, cả hai anh em đều đuối nước. Khi vớt lên, cháu lớn đã mất còn cháu bé hôn mê sâu, bất tỉnh, tái nhợt toàn thân, ngừng thở.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim và thổi ngạt) khoảng 10 phút, cháu Đức được đưa đến bệnh viện. Tại đây, cháu Đức được cấp cứu, đặt ống nội khí quản và thở máy. Tuy nhiên, bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy qua ống nội khí quản, tim nhịp nhanh…

“Lúc này, chúng tôi nghĩ bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch, cơ hội sống sót còn rất ít. Tuy vậy, còn nước, còn tát, chúng tôi vẫn ngày đêm túc trực theo dõi tình trạng của cháu Đức”, bác sĩ Kết kể.

Theo bác sĩ Kết, thấy tình trạng sức khỏe của cháu Đức xấu hơn, Bệnh viện phải xin ý kiến của các chuyên gia Nhi khoa hàng đầu trên cả nước trong đó có PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, người đã tham gia hội chẩn và chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị ca bệnh cực kỳ nguy hiểm cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

May mắn đến nay, sau 10 ngày, hô hấp bệnh nhân cải thiện rõ. Cháu Đức đã tỉnh táo hoàn toàn, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản.

Theo bác sĩ Phan Thanh Bình, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điều đáng lưu ý trong trường hợp này là bệnh nhân được sơ cứu ban đầu rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác cấp cứu và hồi sức sau này của y bác sĩ.

Bé trai bị đuối nước ngừng tim thoát chết kỳ diệu - 2

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang kiểm tra lại sức khỏe cho cháu Đức.

Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, đặc trưng của người bị đuối nước ở ao hồ, hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung, không phải bể bơi, là rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn độc tính cao hoặc các hóa chất thải ra môi trường nước, dẫn đến phù phổi cấp tổn thương. 

Vì thế, ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại sau sơ cứu ban đầu, vẫn nên đưa người bệnh đến bệnh viện để theo dõi và kiểm tra các biến chứng nặng có thể xảy ra sau đuối nước. 

Khi đó chúng ta có thể phát hiện sớm tình trạng phù phổi qua theo dõi diễn biến lâm sàng và chụp phim phổi, bởi diễn biến tình trạng thường rất nhanh. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm các biến chứng có thể xảy ra bằng thở oxy, sử dụng các thuốc lợi tiểu, dùng kháng sinh có thể ngăn chặn diễn biến bất thường và cứu sống cho bệnh nhân”.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do vì có khoảng 15-30% số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tỷ suất tử vong do đuối nước là 8/100.000 người/năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước, cao nhất là nhóm trẻ từ 0-4 tuổi: trung bình 22 ca/100.000 trẻ/năm.

Tại Việt Nam, cứ 4 trẻ em tử vong (1 đến 4 tuổi), thì có 1 trẻ bị tử vong do nguyên nhân đuối nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN