3 người bỏng nặng do túi sưởi

Để tránh những đợt không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc rất nhiều người đã tìm mua các đồ dùng sưởi ấm như túi chườm, quạt sưởi. Tuy nhiên, không ít người đã gặp họa vì những vật dụng này.

Ngày 4/1, BS Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trong đợt rét đậm vào đầu năm mới, bệnh viện đã tiếp nhận 3 trường hợp bị bỏng do túi sưởi.

Đáng nói là trường hợp bệnh nhân Trần Thị T., 75 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội bị bỏng 40% phần bụng. Do thời tiết lạnh, bà T mua túi sưởi về dùng.  Mỗi lần đi ngủ, bà T thường xạc nóng rồi cho vào chăn để giữ ấm. Tuy nhiên, đêm ngày 1/1 phần túi sưởi bị bục tung, dung dịch trong túi đổ vào người khiến toàn bộ phần da bụng  bà T bị tổn thương nặng.

Cũng ưa chuộng túi sưởi, bệnh nhân Nguyễn Tuấn L. 20 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội mua sản phẩm này về dùng và bị bỏng nặng.  Người nhà bệnh nhân cho biết, Tuấn L ở trọ, không có đệm ấm nên mua túi sưởi về tránh rét. Trong lúc ngủ,  do bất cẩn, nên T nằm đè lên, túi sưởi vỡ, toàn bộ nước nóng đổ vào người gây bỏng nặng.

3 người bỏng nặng do túi sưởi - 1

Bệnh nhân bị bỏng do túi sưởi

Theo BS Nguyễn Thống, các mặt hàng sưởi ấm mùa đông có ưu điểm là tiện dụng, khả năng làm ấm nhanh nên được nhiều gia đình ưa dùng, đặc biệt khi sử dụng cho người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì không cẩn thận hay không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nên không ít người phải lãnh hậu quả từ túi chườm nóng.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cũng cho biết, trong những năm qua, Viện Bỏng không chỉ tiếp nhận những ca bỏng do phương pháp sưởi truyền thống như dùng củi, than tổ ong mà còn có nhiều trường hợp sử dụng các thiết bị hiện đại như túi sưởi, quạt sưởi. Một số ca vô tình bị bỏng do rò chảy nước ở túi chườm nóng.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu các gia đình muốn dùng túi sưởi thì phải chú ý đến nhiệt độ, không nên để nhiệt độ quá 44 độ C. Tuy nhiên, có trường hợp da tiếp xúc ở nhiệt độ dưới 44 độ C không bị tổn thương nhưng tiếp xúc lâu sẽ bị bỏng, từ đó da sẽ xuất hiện tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt.

Bởi vậy,  nếu muốn dùng các đồ giữ nhiệt cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.  Nếu người già và trẻ nhỏ dùng túi sưởi giữ nhiệt có thể bị bỏng do da mỏng và khó có thể xử lý nhanh khi cảm thấy nóng quá.

Đối với vết thương do bỏng phải ngâm ngay vào nước sạch càng sớm càng tốt. Tuy vậy, trong thời tiết mùa đông lạnh khi ngâm vết thương vào nước lạnh, cần hết sức chú ý giữ ấm cho các vùng cơ thể khác. Một số vùng cơ thể khi bị bỏng rất khó ngâm vào nước thì có thể xối nước cho sạch tác nhân gây bỏng, sau đó lấy khăn thấm ướt nước lạnh để đắp liên tục lên vết bỏng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN