100 y bác sĩ “cân não” ghép gan cứu sống bệnh nhân xin về chờ chết

Sự kiện: Tin ngắn

Đây không chỉ là ca bệnh khó nhất trong 36 trường hợp được ghép gan tại BV Việt Đức, mà là một ca khó trên các trung tâm ghép tạng thế giới cũng hiếm gặp.

100 y bác sĩ “cân não” ghép gan cứu sống bệnh nhân xin về chờ chết - 1

Bệnh nhân vừa được ghép gan thành công

Chiều 3/4, bác sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, Bệnh viện vừa ghép gan thành công cho bệnh nhân 15 tuổi, người hiến gan là cha đẻ (39 tuổi), ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá.

Ca ghép này đặc biệt bởi trước khi ghép, bệnh nhân ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Khi chuẩn bị thực hiện ca ghép, nguy cơ bệnh nhân tử vong lên đến 90%, gia đình ký giấy xin cho bệnh nhi về để “chết ở nhà”. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các bác sĩ, gia đình đã đồng ý ở lại. Trong quá trình phẫu thuật, hơn 100 y bác sĩ đã tập trung để thực hiện ca ghép.

Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, trước khi được thực hiện ca ghép, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson); suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, hôn mê độ II, III; rối loạn đông máu nặng. BV đã phải hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu. Tiên lượng bệnh nhân tử vong nếu không được ghép gan gấp. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là không có gan từ người hiến.

100 y bác sĩ “cân não” ghép gan cứu sống bệnh nhân xin về chờ chết - 2

BS Nghĩa chia sẻ về ca bệnh vô cùng đặc biệt

Trước tình hình đó, BV đã trao đổi với gia đình bệnh nhân và cho biết chỉ có cách ghép gan mới cứu được. Sau khi bàn bạc, bố bệnh nhân tình nguyện hiến gan để cứu con. Ngay sau đó, các bác sĩ làm các xét nghiệm, cho thấy các chỉ số giữa bố con bệnh nhân tương đồng nhau nên có thể thực hiện ca ghép.

Ngày 29/3, BV thực hiện ca ghép. Theo đó, các bác sĩ đã lấy 60% gan phải từ người bố và phẫu thuật.

Trong quá trình thực hiện ca ghép, bệnh nhân bị rối loạn đông máu từ trước đó nên các bác sĩ đã điều chỉnh rối roạn này. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, là gốc của động mạch gan khiến không thể thực hiện nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng.

Sau 9 tiếng thực hiện, ca ghép đã thành công. Sau ghép, bệnh nhân đã tỉnh, tự ngồi dậy và ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định. Chức năng gan phục hồi tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN