100% trẻ nhiễm chì: “Dời ngay hộ làm nghề tái chế chì khỏi làng”

Đó là đề nghị của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trong buổi kiểm tra tình trạng ô nhiễm chì tại thôn Đông Mai, Văn Lâm, Hưng Yên ngày 28/5.

Làng Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) làm nghề tái chế chì từ pin, ắc quy đã hơn 30 năm, lúc cao điểm có tới 400 hộ làm nghề này.  Nhờ nghề tái chế chì mà Đông Mai từ một làng kinh tế thuần nông, nay đã có không ít tỷ phú. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường Y tế cho thấy, 100% trẻ em của làng được kiểm tra đều mang chì trong máu.

100% trẻ nhiễm chì: “Dời ngay hộ làm nghề tái chế chì khỏi làng” - 1


GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm chì tại Hưng Yên

Trước tình hình này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm chì tại đây. Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, ô nhiễm chì ở Đông Mai, Văn Lâm, Hưng Yên vẫn đang ở mức báo động.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trước đây thôn Đông Mai có khoảng 400 hộ gia đình làm nghề sản xuất tái chế chì, đến nay chỉ còn lại 13 hộ gia đình sản xuất tái chế chì rải rác, xen lẫn trong dân cư, các cơ sở khác đã được di dời và cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai.

100% trẻ nhiễm chì: “Dời ngay hộ làm nghề tái chế chì khỏi làng” - 2


Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định chì là một trong 10 hóa chất cần quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng cộng

Hiện tại 13 hộ chưa di dời vẫn tiếp tục gây tình trạng nhiễm độc chì đối với người thân trong gia đình, thậm chí cho cộng động và những người dân sống xung quanh. Điều này được thể hiện qua kết quả lấy mẫu kiểm tra giám sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế vào tháng 12/201. 

Nước tại các kênh và rãnh thoát nước có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1000 lần. Chất lượng nước bề mặt, không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép trong đó 3/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Đất tại hộ gia đình và vườn trong thôn có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần. Rau có hàm lượng chì cao hơn giá trị giới hạn cho phép 1,3 lần đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Ông Long cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định chì là một trong 10 hóa chất cần quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng cộng, các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của người lao động, trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

“Nhiễm độc chì gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là cho trẻ em. Khi bị nhiễm độc chì nặng, chì tấn công não và hệ thống thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong. Trẻ em sống sót sau nhiễm độc chì nghiêm trọng có thể để lại di chứng chậm phát triển tâm thần và rối loạn hành vi”, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, để bảo vệ sức khỏe người dân, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị  địa phương di dời 13 hộ dân đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai.

Bên cạnh điều trị thải độc chì, chính quyền địa phương cần giám sát các cơ sở sản xuất, tái chế chì tại cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Địa phương phải tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của nhiễm độc chì và có các biện pháp phòng, tránh cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình đặc biệt trẻ em và phụ nữ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng giao cho Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe, sàng lọc và phát hiện bệnh ở các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN