60.000 người sẵn sàng kiện Facebook, đòi 500 EURO/người

Đã có 25.000 người đứng tên khiếu kiện cùng 35.000 người khác ký tên sẵn sàng tham gia nếu yêu cầu đòi quyền lợi tập thể được mở rộng.

Cuộc chiến pháp lý chống lại Facebook với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư mà luật sư người Áo Max Schrems khởi xướng từ 3 năm nay, được hàng chục ngàn người hậu thuẫn đã đạt thành công bước đầu.

Cuối tuần trước, Tòa án Thương mại Vienna đã yêu cầu Facebook Ireland - chi nhánh quản lý hoạt động của Facebook toàn cầu (ngoài Mỹ và Canada) - phải trả lời cho bên khiếu kiện trong vòng 4 tuần.

60.000 người sẵn sàng kiện Facebook, đòi 500 EURO/người - 1

Facebook đang dính vào những vụ kiện pháp lý liên quan quyền riêng tư người dùng.

Nhật báo Irish Examiner (Ireland) minh họa cuộc vận động khiếu kiện này là cuộc chiến giữa David với người khổng lồ Goliath. Luật sư Schrems, dẫn đầu tổ chức Europe-v-Face, tố cáo vai trò của Facebook trong chương trình theo dõi cá nhân Prism Program của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) là vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng internet.

Luật sư Schrems kêu gọi người dùng Facebook hậu thuẫn ông khiếu kiện tập thể thông qua trang fbclaim.com, tố cáo Facebook vi phạm quy định của châu Âu về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng mạng xã hội này. Ngoài cáo buộc hậu thuẫn cho Prism trong việc theo dõi thông tin cá nhân của NSA, Facebook còn bị ông Schrems tố cáo lạm dụng phân tích thông tin cá nhân người dùng thông qua hệ thống dữ liệu lớn.

Từ lúc cuộc vận động được luật sư Schrems xúc tiến mạnh vào đầu tháng 8/2014, mỗi ngày đã có 7.000 chữ ký ủng hộ. Đến nay, đã có 25.000 người đứng tên khiếu kiện cùng 35.000 người khác ký tên sẵn sàng tham gia nếu yêu cầu đòi quyền lợi tập thể được mở rộng.

Ông Schrems đòi Facebook bồi thường 500 EURO (khoảng 13,97 triệu đồng) cho mỗi cá nhân có khả năng bị vi phạm quyền riêng tư được nhóm khiếu kiện tập thể đại diện. Luật sư Schrems tuyên bố: “Chúng tôi chỉ đòi khoản tiền nhỏ với mục đích chủ yếu là được bảo hộ dữ liệu riêng tư một cách chính đáng”.

Luật sư Schrems cũng đã làm hồ sơ khiếu kiện tương tự ở Tòa án châu Âu và đang chờ đợi phán quyết.

* Tiêu đề bài viết đã được sửa đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Lâm (Người lao động)
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN