Truyện lên phim: Ai được, ai thiệt?

Từ cuộc tranh cãi nên hay không chuyển “Quân khu Nam Đồng” thành phim (xem NTNN số 206 ngày 28.8), sẽ thấy từ trước đến nay, các tác phẩm văn học nổi tiếng đều gặp phải thách thức: Phim và truyện là 2 tác phẩm độc lập, hay phim là bản sao của truyện?

Lên phim thường bị chê

Khi đọc một tác phẩm văn học hay, những khán giả yêu văn học chỉ muốn thưởng thức nó như một tác phẩm văn học thuần túy, chỉ có ngôn từ, cốt truyện và thả trí tưởng tượng xây dựng hình ảnh của riêng mình. Tuy nhiên với những người yêu thích điện ảnh hoặc các nhà biên kịch, bao giờ họ cũng nhìn ra chất điện ảnh từ một tác phẩm văn học và luôn muốn được nhìn thấy các nhân vật trong tác phẩm bằng xương bằng thịt trên màn ảnh. Và như vậy, mối duyên giữa độc giả văn học với độc giả điện ảnh, giữa nhà văn và đạo diễn nhiều khi “cơm không lành, canh không ngọt” cũng là chuyện dễ hiểu.

Truyện lên phim: Ai được, ai thiệt? - 1

Cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.   Ảnh: ĐPCC

Còn nhớ khi phim “Quyên” ra rạp hồi tháng 6 vừa qua, một cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra khi rất nhiều độc giả yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã bày tỏ sự thất vọng, cho rằng “Quyên” khác xa những gì họ tưởng tượng từ tác phẩm. Sự phản ứng mạnh mẽ đến nỗi nhà văn phải đi khắp các diễn đàn bênh vực “con đẻ” của mình.

“Nếu ai đã đọc tiểu thuyết “Quyên”, xin đừng so sánh giữa hai ngôn ngữ khác nhau vì mọi thông điệp hay cái thông điệp cốt tử trong “Quyên” mà tôi và đạo diễn Quang Bình đã cùng thống nhất với nhau. Phim “Quyên” là một giá trị khác biệt. Tôi hy vọng nó sẽ được nhìn trong một ánh sáng khác, khi ta nhìn cảm xúc khác của một nghệ sĩ khác không phải là tôi”.

Rõ ràng so với một cuốn tiểu thuyết dày dặn, nơi nhà văn thỏa sức toàn quyền sáng tạo thì một bộ phim có những hạn chế của nó, không thể ôm đồm, khó mà bao quát và thường là chỉ lẩy ra một góc độ nào đó để thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Vì vậy cũng thật khó mà đặt phim và truyện lên một bàn cân để cân đong đo đếm. Nhiều khi chính nhà văn cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi chứng kiến tác phẩm của mình được thể hiện bằng ngôn ngữ khác.

Đó là trường hợp của nhà văn Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết “Phiên bản” được dựng thành phim “Hương Ga”. Anh cho biết: “Khi xem phim có nhiều chỗ rất khác với tiểu thuyết, khác với tác phẩm văn học. Lúc đầu tôi có cảm giác hụt hẫng, nhưng khi xem xong tôi mới  thấy nhà làm phim có lý và quan trọng nhất là vẫn giữ được tinh thần tiểu thuyết dù không giữ được toàn bộ nội dung của tiểu thuyết”.

Đừng đòi hỏi phim phải như truyện

" Tác giả có thể cùng kiểm soát khi tác phẩm được chuyển thể. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi, đạo diễn phim nên mời nhà văn làm tác giả kịch bản. Bởi khi các nhà văn không biết biến tác phẩm của mình thành ngôn ngữ điện ảnh thì sẽ tham gia cùng đạo diễn viết kịch bản một cách chi tiết, dễ hiểu, tiếp đó đạo diễn muốn làm gì thì làm" - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Trên màn ảnh nhỏ, khán giả đã được chứng kiến khá nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể thành các bộ phim truyền hình nhiều tập thuyết phục được người xem. Đó là trường hợp của “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được đạo diễn Vinh Sơn làm thành “Đất phương Nam”, “Đất và người" từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, “Mùa lá rụng” từ 2 tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” và “Đám cưới không có giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng. Rất nhiều những bộ phim khác nữa, cũng có được thành công khi bước từ tác phẩm văn học lên phim. Ví dụ như “Sóng ở đáy sông” của nhà văn Lê Lựu, “Đèn vàng” của nhà văn Trần Chiến, “Ngõ lỗ thủng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh…

Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều lời khen từ khán giả, nhưng chính nhà văn Trung Trung Đỉnh lại không hề xem một tập phim nào chuyển thể từ tiểu thuyết của mình, ông cho biết: “Tôi không xem phim nên không biết đạo diễn đã cho các nhân vật tính cách tốt xấu thế nào, tuy nhiên tôi vẫn phải có lời khen tặng cho nhóm chuyển thể kịch bản vì họ rất tinh ý, lọc được từ 2 tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của tôi những câu chuyện về giai đoạn xã hội chuyển từ thời bao cấp sang thị trường”.

Đạo diễn Victor Vũ- người đang thực hiện bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định: “Việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim điện ảnh không phải dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc và yếu tố nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện tình tiết hoặc cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Đó chính là một thách thức”.

Nếu kịch bản của các bộ phim “trung thành” với nguyên tác, thiếu hẳn những tình tiết được bàn tay biên kịch “thêm thắt”, hư cấu để tăng sức hấp dẫn thì khi xem, khán giả thường có cảm giác như đang thưởng thức một cuốn truyện bằng hình ảnh.

Nhà văn Đoàn Minh Phương- đạo diễn phim “Hạt mưa rơi bao lâu” cho biết: “Làm phim hay viết sách cũng để kể một câu chuyện. Tuy vậy, tôi cho rằng văn chương và điện ảnh là hai thứ khác xa nhau. Văn riêng tư hơn và sâu hơn, chữ viết có thể dẫn người đọc đến bất cứ tầng nào của nội tâm còn điện ảnh thì khác, điện ảnh tác động trước tiên đến thị giác của người xem”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư- người có rất nhiều tác phẩm được chuyển thể thì rút ra kinh nghiệm cho riêng mình: “Mỗi loại hình có một ngôn ngữ khác nhau nếu mình không sành về ngôn ngữ của họ thì cách tốt nhất là đừng có tham gia vào. Tôi nghĩ khi đã đồng ý cho tác phẩm của mình chuyển thể thành phim thì lúc đó phải coi đó là tác phẩm của người khác. Đừng có cố đi theo để quản lý “đứa con” của mình sẽ rất mất thời gian và tạo ra những va chạm không đáng có”.

Theo quan điểm của Ngọc Tư thì điều này đồng nghĩa với việc, khi một tác phẩm văn học được dựng thành phim, nhà văn thường phải là người chịu thiệt và nên học cách chấp nhận điều đó. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai An ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN