Phim truyền hình Việt “dò dẫm” xuất ngoại

Phim Việt ra được thị trường nước ngoài cũng là một dấu hiệu khả quan cho phim truyền hình Việt.

Thông tin ba bộ phim truyền hình Việt sắp được công chiếu tại Myanmar khiến nhiều người vui mừng, nhưng đây cũng chỉ là bước đi thăm dò thị trường phim ảnh nước bạn mà thôi.

Phim truyền hình Việt “dò dẫm” xuất ngoại - 1

Diễn viên Băng Di, người thủ vai chính trong phim “Trả giá” (đạo diễn Đinh Đức Liêm)

Phim truyền hình Việt được xuất ngoại

Tháng 6 này, ba bộ phim là Nghiêng nghiêng dòng nước (đạo diễn Nam Quan), Trả giá (đạo diễn Đinh Đức Liêm) và phim Sương khói đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Dương) sẽ được phát sóng vào giờ vàng trên MW – kênh truyền hình quảng bá của Myanmar. Đây là tín hiệu lạc quan cho phim truyền hình Việt vì thời gian gần đây, truyền hình Việt đang gặp khó khăn tới mức nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm phim.

Thực tế, đây không phải lần đầu phim truyền hình Việt được xuất ngoại. Từ cuối những năm 90, nhiều bộ phim đã tới được với khán giả nước ngoài như: Người đẹp Tây Đô; Ngọn nến hoàng cung; Chuyện tình công ty quảng cáo; Mekong ký sự; Cầu trường không yên tĩnh; Lều chõng,... Những bộ phim này đã được bán và phát sóng tại Thái Lan và trên kênh truyền hình KXLA 44, VBS, phát hành DVD trên thị trường Mỹ. Thời gian gần đây có phim: Người cộng sự, Tuổi thanh xuân cũng được phát sóng ở một số nước châu Á.

Theo ông Trần Minh Tiến, Giám đốc của hãng phim, phía đài truyền hình của Myanmar quyết định chọn những bộ phim này vì có nội dung gần gũi, chân thực và có định hướng tích cực đến xã hội. Ông Tiến lý giải, đó là kết quả của một quá trình dài tập trung nâng cao chất lượng phim và tìm kiếm cơ hội từ nước ngoài. Thời gian tới, hãng sẽ đẩy phim Việt xuất ngoại nhiều hơn.

Thực tế, những bộ phim Việt có thể phát sóng tại nước ngoài hầu hết đều dựa vào mối quan hệ riêng của nhà sản xuất, hoặc đó là phim hợp tác sản xuất với đơn vị nước ngoài chứ gần như chưa có sự tác động, thiết lập quan hệ của các cơ quan quản lý.

Nói về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim – Đài Truyền hình Việt Nam nhìn nhận, việc hợp tác sản xuất và tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài là bước đi cần thiết để góp phần tạo nên nền công nghiệp phim truyền hình. Bởi trên thế giới, việc trao đổi bản quyền các sản phẩm phim ảnh đã trở nên phổ biến. Vì vậy, nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc coi đây là cách quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước rất hiệu quả đến các quốc gia khác.

Với đạo diễn Đinh Đức Liêm, phim Việt ra được thị trường nước ngoài, dù đó là nước nào, cũng là một dấu hiệu khả quan cho phim truyền hình Việt. “Phim truyền hình Việt từ xưa đến nay không có tên trên bản đồ truyền hình thế giới. Do đó, đây là niềm khích lệ rất lớn cho các nhà làm phim Việt Nam. Họ thấy hay mới mua, vì mua về để kinh doanh chứ không phải cất kho”, đạo diễn của Đồng tiền xương máu nhận định.

Chỉ mang tính thăm dò

Công bằng mà nói, việc phim truyền hình Việt được xuất ngoại là một minh chứng cho những nỗ lực của các nhà làm phim trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Những dấu ấn phim Việt được kể đến gần đây: Hôn nhân trong ngõ hẹp; Bánh đúc có xương; Tuổi thanh xuân, thế nhưng sao vẫn khó khăn trong việc xuất ngoại?

Phim truyền hình Việt “dò dẫm” xuất ngoại - 2

Phim "Tuổi thanh xuân"

Nếu muốn đi những bước dài và hiệu quả trong việc phát hành phim ra thế giới thì cần có sự đầu tư nghiêm túc về mọi mặt, đặc biệt là 2 yếu tố: Con người và chi phí sản xuất.

Để đưa phim Việt ra thế giới ngay lập tức thì không thể. Chúng ta phải có kịch bản tốt với một đề tài không quá dị biệt, sau đó là chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, đồng thời phải hình thành đội ngũ tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho hay, dù biết phát sóng phim tại nước ngoài là nguồn thu đáng kể để tạo ra lợi nhuận cho các dự án phim. Nhưng để phim “xuất ngoại” được, nhất là ở những quốc gia phát triển thì phim truyền hình Việt phải đạt yêu cầu khắt khe về chất lượng kỹ thuật.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm tiết lộ, các bộ phim truyền hình Việt thường được chi khoảng 120 - 130 triệu đồng/tập phim 45 phút. Trong khi các phim nước ngoài toàn chi hàng chục tỷ đồng cho một tập phim. Thời gian hoàn thiện lại phải nhanh vì nhà sản xuất sợ tốn kém, êkíp thiếu chuyên nghiệp nên phim Việt có chất lượng kém cũng là điều dễ hiểu. Thế nên, dù gì đạo diễn Liêm vẫn hết sức tự hào khi anh em “co kéo” làm phim được với chỉ bằng ấy kinh phí sản xuất.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm hồi hộp cho biết thêm, bộ phim Trả giá của anh được chọn phát sóng tại nước ngoài nhưng anh khắc khoải với nhiều câu hỏi như: Không rõ người Myanmar thích những bộ phim như thế nào, tâm lý ra sao? Họ có chấp nhận được những vấn đề của Việt Nam hay không? Và đúng như ông Trần Minh Tiến cho hay: Việc phim phát sóng ở Myanmar cũng chỉ mới mang tính thăm dò thị trường mà thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ An (Báo Giao Thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN