Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Buồn nhưng không khóc!

Sau những biến cố, nét mặt ai cũng thất thần nhưng không một giọt nước mắt nào rơi.

 

Mấy ngày nay, bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng gây chú ý với công chúng. Tại các rạp chiếu phim, khi khung hình chìm xuống một màu đen xám, cả khán phòng lặng đi khi biết kết thúc buồn của số phận của nhân vật chính. Chị Phụng đã dừng lại chuyến đi của cuộc đời mình tại một bệnh viện ở Sài Gòn vì bệnh AIDS.

Khi ánh đèn sáng, khán giả lặng lẽ đứng lên và ra về trong sự im lặng khác thường mà chưa một bộ phim nào gặp phải.

Tò mò với những người đồng tính “kì lạ”

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng chân thật đến mức khiến bất cứ khán giả nào xem phim cũng đều cảm thấy mình đang được xuất hiện ngay tại đó, ngay tại gánh hát của chị Phụng, nơi những người đồng tính nam sinh hoạt, trong tiếng nhạc xập xình hằng đêm.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Buồn nhưng không khóc! - 1 
Bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đang gây chú ý với người xem.

 

Ở nhiều vùng quê, mỗi khi những gánh hát lô tô xuất hiện, người dân trong vùng rất háo hức. Bởi ở đó thiếu những chương trình giải trí. Với gánh hát của chị Phụng, ngoài háo hức, người ta còn tò mò, người ta muốn biết “pê đê” hát hò, nhảy múa như thế nào.

Ngay từ những cảnh đầu tiên của phim, người xem cảm giác như mình đang ngồi trên  chiếc xe cà tàng của đoàn hát để đi đến những vùng đất xa xôi, khó khăn.  Chiếc loa phát thanh méo mó, rách nát văng vẳng tiếng mời gọi, đêm nay gánh hội chợ sẽ sáng đèn.

Và rồi, gánh hát được dựng lên. Từng hình ảnh trong phim chạm ngay vào cảm xúc người xem bởi sự chân thật mà không hề có sự dàn dựng hay sắp đặt. Một cột cờ đủ màu sắc được dựng lên, chơi vơi dưới ánh trăng trong tiếng nhạc xập xình, những con người “kì lạ” bắt đầu biểu diễn.

Sau những lớp phấn son, sau tiếng nhạc, sau tiếng hát… những người trong gánh lô tô của chị Phụng lặng lẽ kể câu chuyện về cuộc đời mình, một cuộc đời không bình thường như những người bình thường, những người bằng tuổi họ đang được các cháu gọi là… ông nội.

“Làm pê đê khổ thiệt!”

Xem Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đôi khi khán giả bật cười vì những tâm sự bâng quơ của nhân vật. Nhưng cười đó rồi đau đó, bởi sự cảm thông và xót xa cho những người mang hình hài đàn ông nhưng tâm hồn phụ nữ.

 Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Buồn nhưng không khóc! - 2

Khán giả xem phim đồng cảm với những người thuộc thế giới thứ 3.

Với bộ phim tài liệu dài 86 phút này, người xem không thể bắt gặp những cảnh quay hoành tráng trong nhiều bộ phim hiện nay. Họ chỉ có thể cảm nhận, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đang thu lại cảm xúc của từng nhân vật trong đoàn lô tô.

Nếu như ở vài phân cảnh đầu, người xem chưa quen với hình ảnh “kì lạ” của gần 30 người trong gánh hát, thì chỉ vài phút sau, khán giả lập tức quên đi họ là những người thuộc thế giới thứ 3. Trước mắt khán giả là câu chuyện của những người phụ nữ với cuộc sống phiêu lưu của họ.  

Đoạn chị Phụng tâm tình vào một buổi trưa vắng vẻ, dù hơi khô khan bởi giọng nói nhưng những cực khổ cuộc đời, nhưng tâm tình rất… đàn bà vẫn hiện lên. Chị cười rồi chị buồn:  “Làm pê đê khổ thiệt! Tại không có giống người ta, nó kì kì…”. Nói chưa hết câu, chị bỏ lửng, rồi lặng đi. Ánh mắt xa xăm, buồn vời vợi!

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm hầu như đã không sử dụng bất cứ một kĩ thuật nào để lấy nước mắt khán giả. Bằng sự chân thật của chính nhân vật, chị để họ tự kể về câu chuyện của đời mình qua hoạt động bình dị thường ngày.

Một cơn mưa chiều vội vã, lều trại tạm bợ nhanh chóng hạ xuống để trú mưa, những “người phụ nữ” tranh thủ nước mưa để giặt áo quần, một số “chị em” lao ra tắm mưa, cười đùa… cảm giác như không còn gì hạnh phúc hơn nữa. Cuộc thiếu thốn, khổ cực, nay đây mai đó nhưng họ vẫn vẫn vui và luôn hi vọng một tương lai tươi sáng. Chính những hình ảnh không bi lụy đó từ từ thấm vào lòng người, lặng lẽ đưa khán giả đến từng cung bậc cảm xúc.

“Họ vốn dĩ đã mạnh mẽ”

Mặc dù dẫn dắt khán giả qua những cực khổ của đoàn hát lô tô, qua những câu chuyện buồn trong tình yêu của gần 30 “chị em”, nhưng không một cảnh nào, đạo diễn “cho” nhân vật của mình được khóc. Ai cũng có những lúc vui, buồn, hờn, ghét nhưng tuyệt nhiên không một giọt nước mắt nào rơi, mà thay vào đó là tiếng cười, tiếng hát.  Đây cũng chính là một trong những điểm gây chú ý của phim.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Buồn nhưng không khóc! - 3

Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm.

Như những người bình thường khác, chị Phụng cũng có tâm tư, có những mưu cầu hạnh phúc cho mình. "Bóng gió cũng có dăm ba đường bóng gió, con trai con gái bình thường cũng có người tốt kẻ xấu, trai thì có đứa hút chích, gái có đứa làm đĩ, bóng gió cũng có đứa tốt đứa xấu..", chị Phụng tâm sự.

Cảnh đau thương nhất của phim, là đoàn hát của chị Phụng bị đập phá và đốt cháy giữa đêm khuya. Tiếng kêu la vang vọng cả màn đêm và tiếng la hét thảm thương nhất trong đám cháy không phải là tiếng kêu gọi người đến cứu mình mà là tiếng kêu cứu xé lòng: “Trời ơi, cứu bầy chó của tôi với!!!!”. 

Sau đám cháy, nét mặt ai cũng thất thần nhưng không một giọt nước mắt nào rơi. Đến cuối phim, chị Phụng ngồi chông chênh trên chiếc võng, đôi mắt xa xăm giữa bãi đất trống, giữa ánh lửa bập bùng. Ánh mắt "người phụ nữ" mang nhiều tâm trạng với giọng hát u buồn của mình khép lại một cuộc đời buồn.

Trên một số diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả đặt câu hỏi, những người trong gánh hát của chị Phụng khổ sở cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng sao họ không khóc? Thường người đồng tính trong các sản phẩm phim ảnh hay ủy mị, hay rơi nước mắt. Còn trong Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, nhân vật không khóc hay đạo diễn cố tình cho nhân vật của mình không khóc? Trong 13 tháng quay phim phải có chuyện buồn để họ phải khóc chứ?

Trả lời câu hỏi này, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Tôi nghĩ, mỗi người đều có một số phận riêng, quan trọng là người ta đối mặt với nó như thế nào. Trong suốt Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, khán giả sẽ không thấy nhân vật khóc. Thật sự ngoài đời, trong suốt 13 tháng đồng hành, tôi cũng không thấy các nhân vật của mình khóc. Bản thân những nhân vật trong phim của tôi vốn là những người từng trải, họ đã trải qua quá nhiều nỗi đau, chuyện buồn. Họ vốn dĩ đã mạnh mẽ”.

Nữ đạo diễn trẻ này cũng nói thêm: “Ngoài ra, khi thực hiện phim này, tôi muốn phản ánh cuộc sống chân thực của họ. Tôi không có ý gợi mở, khơi gợi lại những nỗi đau khiến họ phải rơi nước mắt. Có thể khi tôi gợi mở về một câu chuyện nào đó, họ sẽ kể lại, sẽ nhớ lại những nỗi đau và tất nhiên sẽ rơi nước mắt như trong các phim khác mọi người hay thấy. Thế nhưng, tôi muốn tác phẩm của mình mang đến cho khán giả cái nhìn chân thật nhất về cuộc sống của những số phận này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Nguyên ([Tên nguồn])
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN