Chí Trung: Người mù cũng thấy giao thông tốt lên

Chí Trung bật mí những lý do anh từ bỏ vai Táo Giao Thông ở Táo Quân 2014

 Người mù cũng thấy giao thông tốt lên

Nói đến Chí Trung là người ta nghĩ ngay tới Táo Giao thông. Khi đặt câu hỏi: “Bị mặc định như vậy với anh là vui hay buồn?”, Chí Trung trả lời ngay tắp lự: “Vui chứ!”. Anh chia sẻ rằng mình đã đóng Táo quân được 10 năm, trong đó 6 năm gần nhất là vai Táo Giao thông.

Có một thắc mắc được khá nhiều người đặt ra: Kịch bản các vai Táo, trong đó có Táo Giao thông, do đạo diễn Nguyễn Khải Hưng, Đỗ Thanh Hải và ê-kíp biên kịch áp đặt hay các diễn viên tự do sáng tạo? Chí Trung bật mí “Thường thì vai Táo Giao thông của tôi bao giờ cũng khiến đạo diễn đau đầu nhất, vì chi tiết thì nhiều nhưng sự hấp dẫn thì ít. Nên tôi tự loay hoay với vai của mình. Tôi sửa rất nhiều so với kịch bản gốc. Mọi vấn đề liên quan đến giao thông tôi đều quan sát và có cách nhận xét riêng. Tôi tìm cách đúc rút những chi tiết, câu chuyện, tình huống xảy ra và thường là qua báo chí để đưa vào đúng lúc, đúng chỗ”.

Dù vậy, Chí Trung cũng thừa nhận: “Bởi giao thông là vấn đề cơm ăn nước uống hàng ngày nên vai Táo này luôn thu hút được sự chú ý. Dù chất liệu hấp dẫn nhưng thành thực mà nói mình chưa tìm cách thể hiện ra hết được. Dù sao thì anh Đỗ Thanh Hải vẫn thích bởi có một Táo đường hoàng, đường bệ và vẫn có cái gì đó tạo một sự tin tưởng trong một dàn diễn viên”.

Chí Trung: Người mù cũng thấy giao thông tốt lên - 1

NSƯT Chí Trung cho biết, anh đã chủ động xin không vào vai Táo Giao thông trong Chương trình Gặp nhau cuối năm Tết Giáp Ngọ vì không còn "đất diễn"

Liên quan đến việc khán giả dịp Xuân Giáp Ngọ không được xem anh đóng vai Táo Giao thông, Chí Trung ngậm ngùi lẫn tự hào: “Vui nhất khi đóng Táo Giao thông là đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo người dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Mặt bằng của Táo Giao thông cao hơn mức trung bình, tôi được mọi người quan tâm nhất, nên còn gì sung sướng hơn. Tuy nhiên, tôi đã chủ động đề nghị với đạo diễn Đỗ Thanh Hải xin rút khỏi Táo Giao thông năm nay.

Anh Đỗ Thanh Hải có hỏi tại sao, tôi trả lời rằng vì tôi thấy giao thông năm nay tốt rồi. Thực tế ai cũng nhìn thấy, kể cả người mù. Người mù đi qua đường cũng đi nhanh hơn chứ không đi lâu như ngày xưa. Tất cả chúng ta cũng thấy được sự nỗ lực rất lớn và phi thường của Bộ GTVT, trong đó có đóng góp của anh Đinh La Thăng. Tôi nghĩ giao thông đã đến ngưỡng 70% sự tốt lành.

Dù vậy, sẽ là lố bịch nếu tôi ca ngợi những cái tốt của năm nay. Trong hài mà lại ca ngợi thì lố bịch lắm. Hơn nữa, nếu với tư cách Táo Giao thông là phải phê phán hài hước, mà tôi không có nhiều chất liệu để thể hiện nên sợ sẽ không vượt qua được đỉnh cao của những năm qua đã làm”.

Một năm may mắn, suôn sẻ 

Lan man sang câu chuyện đời tư, Chí Trung nói gia đình vẫn yên ấm, vợ chồng vẫn mặn nồng. Anh tự nhận xét năm 2013 có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt với anh, nửa năm đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam suôn sẻ vì dồi dào năng lượng, nhiều ý tưởng.

Anh thừa nhận mình cũng như anh em bạn bè, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đều thở phào nhẹ nhõm sau khi giành giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” trong Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ.

“Trước đó, dù tin tưởng nhưng ai cũng có chút e ngại vì tôi thiên về làm hài. Tôi nghĩ tấm lòng của Nhà hát, của riêng tôi với anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh đã phù hộ cho tôi làm một vở diễn tốt. Sau khi được giải thì mọi người và cá nhân tôi đều cho rằng, hóa ra Chí Trung còn làm được những cái khác ngoài tố chất làm hài.

Không những thế, hai đơn vị ngân hàng cảm nhận được giá trị vở diễn “Mùa hạ cuối cùng” và họ đã tài trợ cho Nhà hát Tuổi trẻ đến với 119 trường đại học, cao đẳng, THPT kéo dài đến hết năm 2014 ở Hà Nội. May mắn nữa là cuối năm tôi đã đưa nhà hát và kịch Lưu Quang Vũ vào TP HCM. Đêm diễn nào cũng đầy khán giả. Đây là trải nghiệm thú vị vì đã 8 năm nay vẫn sợ kịch Bắc không hợp gu khán giả Sài Gòn, không bán được vé”.

“Những gam màu của năm Quý Tỵ”

Trong những vấn đề thời sự 1 năm qua, anh quan tâm theo dõi sự kiện nào nhất?

Vừa là nghệ sĩ vừa là nhà quản lý, nên mình cần có thông tin về kinh tế - xã hội để có những động thái kịp thời. Người nghệ sĩ chính là bó hoa. Tuy nhiên, khi lòng người tan tác, tìm tiền dáo dác thì người ta cần bó rau muống để luộc ăn chứ không cần bó hoa lắm.

Năm nay có rất nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội: Các doanh nghiệp công ích ở TP HCM lương lãnh đạo tiền tỷ  trong khi người lao động chỉ vài ba triệu đồng; 3 trẻ nhỏ bị chết sau tiêm vaccine rồi vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, vì hèn nhát nên bác sĩ Tường đã đẩy mình trượt dài; vụ hài cốt giả nhà ngoại cảm rởm. Tôi nghĩ đó là những bài học về niềm tin pháp luật, về sự không dũng cảm với bản thân mình.

Vậy, theo anh sự hèn nhát của con người ta do đâu?

Nó là sự tất yếu xảy ra của bài học giá trị niềm tin đã sụp đổ, con người ta không tự tin vào chính mình, không tin vào những điều tốt đẹp. Nếu người ta tin vào những cái đẹp người ta sẽ dũng cảm đấu tranh với cái sai trong chính mỗi con người.

Bi quan đến thế sao?

Trong bức tranh nhiều gam màu tối cũng có những điểm sáng chứ! Rõ nhất là những giọt nước mắt rơi xuống sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không hẳn tôi cảm thấy mất mát một vị Anh hùng dân tộc, bởi vì bác cũng đến tuổi và bác đi rất thanh thản nhưng việc hàng triệu người khóc vì niềm tin dù ở rất xa vời nhưng lại rất gần, nâng bước hàng ngày hàng giờ trong công việc. Tôi đã từng viết trên facebook: “Ngày hôm nay trước sự ra đi của bác Giáp có hàng triệu những giọt nước mắt rơi xuống chảy ngược vào trong để khóc cho chính mình”. Rất nhiều người, trong đó có tôi cảm nhận thấy cả dân tộc đoàn kết tìm lại niềm tin.

Cảm ơn anh!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lý Phạm và Độc Bắc Lưu (GTVT)
Phim hài Tết 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN