Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu

Sự kiện: Phim truyền hình

Câu chuyện tình yêu, tình người hòa vào tầm vóc lịch sử khốc liệt thời Xuân Thu.

­­­­Khai thác đề tài thời Xuân thu Chiến quốc nhiều biến chuyển, lắm kỳ tài, bộ phim Tôn Tử đại truyện tái hiện cuộc đời của Tôn Võ – tác giả bộ Binh pháp Tôn Tử nổi tiếng trên thế giới và những câu chuyện về tình người, tình yêu hòa vào tầm vóc lịch sử của giai đoạn Phong kiến phân quyền, chư hầu phân tranh.

Bức tranh Chiến quốc qua cuộc đời Tôn Võ

Tôn Tử đại truyện tái hiện các sự kiện thời Xuân thu không quá nặng nề mà thông qua câu chuyện cuộc đời của Tôn Võ, từng mắc xích xâu chuỗi lại cùng nhau để người xem hình dung bức tranh toàn cảnh của thời đại, có những mảng tối - sáng, vinh quang - bi tráng và nhất là những chính sách “an bang trị quốc” của các nhà cầm quân.

Thời Xuân thu, Tôn Võ vốn là người nước Tề , do gia tộc bị vu hại nên cả nhà phải trốn chạy nhưng được “Ngô Vương 3 lần thoái vị” Ngọ Mã cứu giúp và đưa sang nước Ngô. Lúc này, công tử Quang tại Ngô quốc đang thực hiện mưu đồ đảo chính cướp ngôi nhưng chưa dám xưng vương vì sợ chư hầu nổi dậy nên mời Ngọ Mã làm vua trước và sau đó truyền ngôi lại cho mình.

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 1

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 2

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 3

Ngọ Mã đã khóc than cho nước Ngô và cảnh huynh đệ tương tàn vì quyền lực nhưng cũng nhận ra rằng đây là điều tất yếu để xây dựng một đất nước hùng mạnh. Sau đó, Công tử Quang xưng vương, lấy hiệu là Hạp Lư (cũng là cha của Ngô Vương Phù Sai sau này). Trước khi đi chu du thiên hạ, Ngọ Mã khuyên Tôn Võ đem tài trí ra giúp nước và cũng là để thỏa chí nam nhi của mình.

Nhưng con đường Tôn Võ được trọng dụng và phát huy tài năng tại Ngô quốc không hề dễ dàng. Dù tướng quốc Ngũ Tử Tư nhận ra tài tăng, kết làm tri kỷ và tiến cử nhưng Hạp Lư lại đang kiêu hãnh trên ngôi cao nên ba lần bảy lượt xem thường Tôn Võ. Đến khi tiếp kiến Tôn Võ lại đưa ra bài toán khó: “Phải áp dụng binh pháp với phi tần, mỹ nữ tay yếu chân mềm ở hậu cung”. Vốn được vua yêu chiều, các mỹ nhân xem đây như trò chơi và không chịu luyện tập. Vì thế Tôn Võ đã thi hành quân kỷ chém “tướng bất tuân” cũng chính là hai vương phi được Hạp Lư sủng ái nhất.

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 4

Sự kiện này đã gây chấn động với nhiều người. Hạp Lư dẫu đau lòng nhưng phải thừa nhận Tôn Võ là bậc kỳ tài và trọng dụng. Công chúa Y La – muội muội ruột của một trong hai vương phi bị trảm quyết tâm trả mối thù giết chị nên xin được làm thiếp của Tôn Võ để tìm cơ hội ám sát. Tuy nhiên, khi chung sống cùng Tôn Võ, nàng dần nhận ra những đức tính quý báu và cách hành xử quang minh lỗi lạc của người nên nảy sinh tình cảm. Với sự thông minh và tài trí, Y La còn góp sức cùng Tôn Võ điều hành chính sự. Nhưng thâm tâm Y La luôn bị giằng xé giữa ước muốn báo thù và tình yêu.

Chiến sự và tình yêu

Nếu những ai quan tâm đến binh pháp Tôn Tử, bộ phim sẽ mang đến nhiều kiến thức hay về nghệ thuật “đình chiến” và “hòa hoãn” trong lối dụng binh qua 13 chương của cuốn binh thư nổi tiếng này. Phim được đầu tư hoành tráng để khắc họa rõ nét chiến trường khốc liệt với binh hùng, tướng mạnh, cảnh giao tranh sống động, thể hiện được lối đánh theo thủ pháp “Binh quý thần tốc”, “Giương đông kích tây” hay “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”… vốn đã được nhiều người biết đến.

Không chỉ đề cập tới vấn đề chiến sự mà phim còn truyền tải nhiều thông điệp về tình yêu, tình cảm gia đình, tinh thần trượng nghĩa sâu sắc. Chị em Y La và My phi lưu lạc từ Sở sang Ngô luôn đồng cam cộng khổ, yêu thương nhau. Vì thế khi My phi bị trảm, sự đau đớn của Y La dâng lên đỉnh điểm, thể hiện bằng sự hy sinh bản thân đi làm thiếp cho Tôn Võ để trả thù. Hay như công chúa nước Sở dù yêu mến bậc kỳ tài Tôn Võ nhưng vẫn đặt nặng sự hưng vong của đất nước lên trên tình cảm riêng tư.

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 5

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 6

Dù tuổi tác chênh lệch, "cây đa cây đề" Trương Phong Nghị và diễn viên trẻ Cảnh Điềm lại có sự kết hợp rất ăn ý

Tôn Võ trong phim không phải là vị thần thoát tục mà là một nam nhân bình thường với đầy đủ hỉ nộ ái ố cũng như có những mối tình khắc cốt ghi tâm cùng Y La hay công chúa nước Sở. Sự thành công của bộ binh pháp không chỉ toàn ánh hào quang mà phải trải qua biết bao thăng trầm, nhiều sự đánh đổi, trả giá lẫn hi sinh của cá nhân cho đại cuộc.

Diễn xuất tốt, tạo hình ấn tượng

Vào vai Tôn Võ chính là diễn viên gạo cội Trương Phong Nghị - diễn viên “chuyên trị” các vai diễn trong phim thời Xuân thu Chiến quốc như Xích Bích, Tần Thủy Hoàng,… Trong Tôn Tử đại truyện, Trương Phong Nghị vẫn giữ vững phong độ với diễn xuất nội tâm đa chiều khắc họa được hình tượng Tôn Võ tôn nghiêm và uy dũng khi ra chiến trường nhưng cũng dung dị, giàu tình cảm và biết tôn trọng phụ nữ trong đời thường.

Vai nữ chính Y La trong phim được giao cho diễn viên trẻ Cảnh Điềm – Người được mệnh danh là nhan sắc hoàn mỹ của điện ảnh Hoa ngữ. Dù lúc tham gia đóng Tôn Tử đại truyện, Cảnh Điềm đang là sinh viên điện ảnh nhưng đã có diễn xuất ấn tượng với vai Y La vừa cương nghị, cứng rắn nhưng cũng rất si tình. Sự chăm chỉ học hỏi và không ngại khó của cô đã khiến đạo diễn lẫn diễn viên bậc thầy Trương Phong Nghị đánh giá cao.

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 7

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 8

Hai mỹ nhân Ông Hồng và Tôn Duyệt cũng góp mặt trong phim

Phim còn có sự quy tụ của diễn viên, ca sĩ nổi tiếng Tôn Duyệt vai công chúa nước Sở mạnh mẽ, dào dạt tình cảm và quyết đoán. Sự trở lại của diễn viên nổi tiếng một thời Ông Hồng trong hình tượng My phi tuyệt sắc, yểu điệu cũng làm khán giả hài lòng vì vẻ đẹp mặn mà của cô vẫn trọn vẹn qua năm tháng.

Theo đúng lễ nghĩa và phục sức ở thời Xuân thu, phim Tôn Tử đại truyện chăm chút cho tạo hình nhân vật khá tốt. Từ chất liệu vải, thiết kế trang phục cho nam và nữ, thường dân và vua quan, kiểu tóc, dáng đi, cử chỉ, lễ tiết đồng bộ và giúp phân biệt rõ thứ bậc. Giáp trụ, xa luân chiến, giáo mác, cung tên cũng là phần đặc sắc tái hiện được không khí đậm màu sắc Chiến quốc.  

Tôn Tử đại truyện: Binh pháp và tình yêu - 9

Phim tái hiện được không khí đậm màu sắc Chiến quốc

Với sự tham gia của các diễn viên: Trương Phong Nghị, Cảnh Điềm, Tôn Duyệt, Ông Hồng, Lý Tử Hùng, Vưu Dũng…, 35 tập của bộ phim Tôn Tử đại truyện lần đầu tiên sẽ được phát sóng kênh Giải Trí TV – VTVcab1 lúc 21h30 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần từ 22/11/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Thảo ([Tên nguồn])
Phim truyền hình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN