Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp

Lấy chồng người ta mở đầu bằng khuôn mặt giàn giụa nước mắt của Lụa, cô gái nghèo khó sống ở vùng sông nước Đồng Nai. Khuôn hình đặc tả vẻ đau khổ ấy kéo dài khá lâu, trước khi được kéo rộng ra xa để khán giả nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh: người phụ nữ trần truồng nhục nhã đứng giữa khu chợ đông đúc người qua lại. Đồng thời, màn hình tối dần đi chậm chạp, che phủ lên thân hình người phụ nữ ấy và dòng tên phim đỏ như máu xuất hiện.

Bộ phim đậm tính... vô nhân đạo

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 1

Poster của bộ phim gây ấn tượng mạnh với thị giác khán giả

Ngay từ cảnh phim đầu tiên của Lấy chồng người ta đã nói ở trên, đạo diễn đã muốn gửi một nhắn nhủ về một tác phẩm trần trụi, hoang dại và đậm tính... vô nhân đạo.

Không dùng để câu khách rẻ tiền, những cảnh nóng trong phim sử dụng ngôn ngữ điện ảnh mang tính khơi gợi cao, dù không đặc tả nhưng vẫn đậm chất gợi cảm mãnh liệt nhằm đem lại ham muốn tình yêu tột bậc.

Trái lại, tính bạo lực thô ráp được đặc tả chi tiết thông qua các cú tát, đánh nhau sứt đầu, bắt buộc quan hệ tình dục… để thể hiện sự bất thường, điên loạn của cái ác, cũng như sự “tức nước vỡ bờ” của cái thiện.

Tính bạo lực và tình dục được khai thác trong bộ phim một cách tự nhiên, đậm tính nguyên thuỷ, và có phần man rợ như thể đó là những cách duy nhất để chiến thắng con người và thiên nhiên.

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Lưu Huỳnh, Lấy chồng người ta (ra mắt từ ngày 21/9), chọn một câu chuyện tình tay ba đầy sóng gió giữa vùng nước nổi La Ngà, Định Quán. Lụa (Đinh Y Nhung đóng) và Khánh (Huy Khánh đóng) là một cặp vợ chồng nghèo hạnh phúc luôn mong ngóng có một đứa con trong nhà.

Không may, Khánh lại bị vô sinh và việc này khiến anh tủi thân vì không thực hiện được nghĩa vụ làm chồng. Thương xót và không muốn người chồng tiếp tục khổ, Lụa đã quyết định đến nhờ Linh (Thái Hoà đóng), một tay bán vé số Thần tài, để có được một đứa con. Sự việc dần dần trở nên rối bời khi đứa trẻ tên Phúc được sinh ra và bản năng làm cha của Linh trỗi dậy, khiến hắn mong muốn chiếm đoạt đứa trẻ lại bằng mọi thủ đoạn.

Lấy chồng người ta có nội dung đơn giản và có phần dễ đoán như vậy, nhưng bằng khả năng nắm giữ và điều phối câu chuyện của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh đã tạo ra một bộ phim nghẹt thở và man di đậm tính điện ảnh.

Nếu dùng hai tính từ để mô tả bộ phim này, nên chọn từ “quẩn quanh” và “hoang dại”, bởi nó áp đặt cho toàn bộ mọi thứ diễn ra bên trong không gian phim, từ câu chuyện, bối cảnh, diễn xuất, âm thanh cho tới dựng phim, cách dẫn chuyện…

Bối cảnh sông nước La Ngà đẹp mà buồn, những căn nhà luôn nổi dập dềnh không lặng lấy một phút như để thể hiện cái phận làm người nơi đây. Tại nơi đó, những nhân vật chính sống, làm việc, yêu thương và thù ghét nhau trên mặt nước luôn động đậy, chỉ trực biến thành xoáy sâu nhấn chìm tất cả mọi thứ.

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 2

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 3

Bối cảnh sông nước La Ngà đẹp mà buồn

Không tìm nổi đường ra

Hơn nửa tiếng đầu phim, dù sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ cao, nhưng bộ phim vẫn không che giấu được sự loãng nhịp do thiếu mạch lạc, vô tuyến tính trong việc tung ra những sự kiện then chốt nhất của câu chuyện mà không có lời giải thích.

Khán giả chỉ kịp hiểu rằng có một cặp vợ chồng hạnh phúc muốn có con nhưng không thể có, anh chồng đánh dấu trên lịch và luôn miệng hỏi “có bầu chưa em”, thì một ngày, cô ấy có con và làm người chồng vui sướng. Sau đó, một người đàn ông đến nhà và hung hăng đòi lại đứa con, dù trước đó mấy phút, hắn đã giúp người vợ ấy thoát khỏi cảnh bị một gái làng chơi làm nhục giữa chợ.

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 4

Thân phận người phụ nữ Việt chịu nhiều hy sinh và thiệt thòi được khắc họa trong Lấy chồng người ta

Tất cả tạo ra một sự mơ hồ trong câu chuyện, khiến nhiều câu hỏi không hiểu lý do, nguyên cớ ra sao cứ chất chứa trong lòng khán giả. Để rồi sau đó, Lưu Huỳnh lật ngược trở lại nội dung phim từ đầu, sử dụng góc máy khác để tạo ra những điểm nhìn mới, hé mở dần dần những hỷ, nộ, ái, ố trong quá trình sinh thành ra cậu bé Phúc.

Khán giả lúc đó mới thấu hiểu rằng, đoạn đầu phim được thực hiện cắt cụt như những tiếng nấc, thực chất là chủ đích của đạo diễn nhằm tạo ra sự lẩn quẩn không lối thoát. Lưu Huỳnh đã mô tả số phận nhân vật quẩn quanh bằng hình thức tự sự rất… quanh quẩn, như thể phim chính là nhân vật. Họ buồn thì phim buồn, họ vui thì phim vui, họ rơi vào ngõ cụt thì phim cũng không tìm nổi đường ra.

Trong khoảng thời lượng gần 2 tiếng của mình, bộ phim Lấy chồng người ta không kể câu chuyện đơn giản, mạch lạc để người xem dễ hiểu, mà cố tình vòng vo, xoay tới xoay lui các sự kiện ở các thời gian khác nhau, nhằm để khán giả lạc giữa dòng kể của phim như những nhân vật trong phim quanh quẩn cùng sông nước.

Đây là cách làm phim mà Lưu Huỳnh từng thực hiện trong các tác phẩm trước, nhưng chỉ tới Lấy chồng người ta, thì nó mới thực sự có tác dụng thúc đẩy cảm xúc người xem phim. Phần đầu phim tràn ngập những lát cắt nhẹ nhàng, đôi chút hài hước. Để rồi sau đó, đạo diễn dần lật mở lại và lôi ra những tội ác vô đạo nảy sinh giữa những khoảnh khắc yêu thương ấy.

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 5

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 6

Phim này có thể cũng chia khán giả làm đôi, một bên yêu thích, một bên không, cũng vì cách nó kể chuyện về bạo lực

Cái đẹp bị... bóp chết

Ban đầu người chồng sung sướng khi nghe tin vợ có bầu, nhưng về sau, khi khán giả biết rằng ngay trước đó, cô đã khóc vì bị Linh uy hiếp, thì tất cả chợt hiểu hạnh phúc của họ ngắn chẳng tày gang. Bằng thủ pháp như vậy, đạo diễn đã dần bóp chết những cái đẹp ở đầu phim, làm nó chìm ngỉm ở những cảnh cuối phim và để cái ác trỗi dậy.

Trong nửa sau của Lấy chồng người ta, cái đẹp dần dần bị cái ác lấn át. Sự hy sinh khi Lụa muốn có được tương lai hạnh phúc (đứa con) nên kết giao với cái ác (Linh) để khoả lấp sự thất vọng (Khánh) đã tạo ra nghiệp chướng với tất cả mọi người.

Cuối cùng, để tranh giành hạnh phúc, họ phải chiến đấu chống lại cái ác vô nhân tính bất chấp mọi thương tổn Linh gây ra với những phương thức bệnh hoạn của hắn. Xung đột đậm tính man rợ thực sự bắt đầu bằng cú đánh bằng gậy của Linh vào đầu Khánh.

Kể từ đó, Lấy chồng người ta dìm người xem vào biển máu và nước mắt đầy tính thô bạo. Nhịp phim cũng trở nên gấp gáp hơn và được tôn lên bằng nhạc nền dồn vang dai dẳng, kịch tính, khiến bộ phim trở nên căng thẳng, nghẹt thở, tạo cảm giác ức chế mạnh cho khán giả, đúng theo ý muốn của đạo diễn.

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 7

Bi kịch ở đây không đến từ riêng ai và cũng không chừa một ai, nhưng chung quy chỉ vì khát vọng sống

Cái ác cũng đẹp nhưng đầy kinh hoàng

Lưu Huỳnh đã tạo ra một cái ác thật đẹp lúc ban đầu, nhưng đầy kinh hoàng về sau. Mọi phân đoạn quay chậm Linh trong bộ đồ Thần tài đều toát ra một cái đẹp thị giác mạnh mẽ, nhưng sự điên loạn ẩn chứa bên trong là điều không ai ngờ tới. Kết hợp vào đó là khả năng diễn xuất đáng kinh ngạc của Thái Hoà, khi anh xoá bỏ hoàn toàn các hình ảnh đỏng đảnh trước đó, để vào vai người đàn ông tâm thần này.

Bằng diễn xuất nổi trội đầy tính ám ảnh, Thái Hoà đã khắc hoạ thành công và sống động sự đáng sợ của cái ác tên Linh, một kẻ đầy bạo lực và bệnh hoạn sau sự đổ vỡ gia đình. Thái Hoà không che giấu, giữ lại bất cứ biểu cảm nào của mình vào trong, mà anh phô hết cảm xúc ra ngoài khuôn mặt, từ sự yêu thương cộc cằn, cho tới phút bấn loạn tâm lý, nhằm tạo ra một cái ác hoàn thiện, phi nhân tính. Đây là một vai phản diện đáng nhớ của màn ảnh Việt.

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 8

Khi bạo lực, tình dục “giày vò” cái đẹp - 9

Linh là vai diễn quái dị, vốn chỉ gặp trong dòng phim bạo lực tâm lý mà nhiều đạo diễn quốc tế đeo đuổi

Hình ảnh có tính chất chìa khoá thể hiện cho sự quẩn quanh trong phim – ngôi nhà nổi xoay lòng vòng trên mặt nước – được xuất hiện muộn màng khiến người xem dễ dàng quên gắn nó với chủ ý dựng phim trước đó của Lưu Huỳnh. Cũng không khó để nhận ra các kẽ hở trong kịch bản của bộ phim, như việc cặp vợ chồng không đi xin tinh trùng từ mộ nguồn khác, hay hàng xóm láng giềng có thể báo thông tin tới chính quyền những sự việc xảy ra làm  tổn hại đến một con người…

Dường như, đạo diễn đã cố gắng loại bớt ra những kẽ hở tiến lên trong phim, để đẩy lùi tình cảnh nhân vật vào trong các thế kẹt, không thể thoát thân.

Bộ phim kết thúc cũng bằng khuôn mặt giàn giụa nước mắt và đổ máu của Lụa, tiếp tục thể hiện sự đau khổ dai dẳng. Sự quẩn quanh tiếp tục đeo bám với nhân vật này khi máy quay từ từ zoom cận vào mặt cô, trái ngược với cảnh đầu phim, như một lời cảm thông cho đức hy sinh của người phụ nữ Việt.

Lấy chồng người ta là một bộ phim tâm lý đậm chất bạo lực, được đạo diễn Lưu Huỳnh cố gắng đẩy lên tới sự tận cùng của quẫn bách. Và trong một chừng mực nào đó, thì ông đã thành công.

Bấm đây để xem trailer dìm người xem vào máu và nước mắt của Lấy chồng người ta

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh An
Phim chiếu rạp hay nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN