Chuyện ly kỳ quanh cổ vật ở Pù Luông

Chuyện về chiếc nồi đồng cổ ở bản Hiêu và chiếc niếng linh thiêng ở bản Lác chứa đựng nhiều điều ly kỳ.

Dãy Pù Luông theo tiếng Thái nghĩa là núi cao, những ngọn núi nằm lơ lửng giữa trời và đất, quanh năm sương mù che phủ. Trên mảnh đất được mệnh danh là “Sa Pa xứ Thanh” này vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện ly kỳ mà đêm đêm bên ché rượu người già hay kể lại cho lớp trẻ nghe.

Trong đó, có chuyện về chiếc nồi đồng cổ ở bản Hiêu và chiếc niếng linh thiêng ở bản Lác, xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa).

Chuyện ly kỳ quanh cổ vật ở Pù Luông - 1

Anh Hà Văn Tùng đang đo chiều rộng – sâu của chiếc nồi đồng cổ khổng lồ mà người dân bản Hiêu xem như “linh hồn làng”. Ảnh: Lao Động.

Nồi đồng khổng lồ là linh hồn may mắn của làng

Đối với người dân tộc Thái ở vùng cao xứ Thanh thì những vật dụng như chiếc nồi, chiếc niếng (nồi dùng để đồ xôi) đều gần gũi, thân quen như con suối chảy quanh bản tự bao đời nay. Nhiều lần cánh lái buôn đã đi bộ cả vài cây số đường rừng, vượt qua những cây cầu gỗ chênh vênh vắt ngang các dòng suối để tìm đến, nhưng lần nào họ cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu dứt khoát từ những người dân nghèo nơi đây.

Trong ngôi nhà sàn cổ trăm tuổi của anh Hà Văn Tùng nằm ngay bên cạnh con suối, tiếng thác chảy ầm ầm dội vào càng khiến cho câu chuyện mà già làng Hà Văn Đứng năm nay đã 90 tuổi kể bên bếp lửa thêm phần huyễn hoặc hơn. Già bảo: “Khi già lớn lên đã thấy chiếc nồi đồng để trong ngôi nhà cổ này rồi. Nồi đồng như nhân chứng chứng kiến mọi sự đổi thay của bản Hiêu. Dân làng xem nồi như linh hồn làng, như một vị thần may mắn luôn che chở cho bản làng”.

Dù tuổi thọ không bằng chiếc niếng nhưng chiếc nồi đồng khổng lồ này cũng mang trong mình nhiều câu chuyện ly kỳ. Chiếc nồi mà già Đứng nói đến nặng 83kg, có chiều rộng 110cm, sâu 100cm, xung quanh khắc các họa tiết đơn giản cùng các chữ Hán, phía bên trong cạnh nồi có khắc chữ Việt “nhà buôn Hà Văn Nhi”, các quai nồi là hình hai con rắn quấn chặt lấy nhau. Chiếc nồi không có nắp nhưng giữ nhiệt rất lâu. Trước kia, bản chưa có nhà văn hóa thì chọn những nhà sàn rộng rãi nhất để nồi. Gia đình nào có vinh hạnh được giữ nồi cũng thuận hòa, làm ăn khấm khá hơn các nhà khác.

Cưới xin, ma chay cả làng đều dùng đến chiếc nồi đồng khổng lồ này, khi cần nồi có thể dùng để luộc được hai con bò, dùng xong phải mang ra nước suối Hiêu rửa thì mới sạch được. Chiếc nồi “Thánh Gióng” thường dùng để nấu thức ăn cho cả bản mỗi khi có lễ lạt, hiện bản Hiêu có 46 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. Vào mùa cơm mới, ngày tết... để xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, người dân trong bản không bị ốm đau, khỏe mạnh, trưởng bản bao giờ cũng làm một mâm cơm với đầy đủ lễ vật mang ra đặt trước chiếc nồi để xin vị thần trong nồi phù hộ cho. Trước đó mấy ngày, cả làng đã phải góp củi thật nhiều mới đủ để nấu chín thức ăn trong nồi.

Xem nồi như bảo vật của làng nên lúc có loạn lạc chiến tranh, những vị cao niên trong làng đã họp lại, ra lệnh đào hầm trong rừng sâu đem nồi giấu vào trong đó, đến khi bình yên trở lại mới cho người đào lên đem nồi ra dùng. Chiếc nồi có bốn quai, mỗi lần di chuyển phải làm hai cái đòn với bốn người sức vóc trai tráng mới khiêng được. Có người vào mua trả giá cả trăm triệu, trưởng bản họp tất cả dân làng lại lấy ý kiến, nhưng dân bản Hiêu nhất quyết không bán. Họ xem đây như thể vật thiêng giữ của cho bản làng.

Chiếc niếng cổ và những câu chuyện linh thiêng

Cùng uống chung mạch nước của thác nước Hiêu, bản Lác chứa trong mình những câu chuyện ly kỳ với chiếc niếng cổ. Ông Hà Văn Tân - 52 tuổi, chủ nhân chiếc niếng linh thiêng - cho biết: “Không ai có thể biết chính xác cái niếng nhà tôi có từ bao giờ. Ngay cả mẹ của tôi năm nay đã 92 tuổi cũng không dám khẳng định tuổi thọ chính xác của chiếc niếng. Nghe cụ bảo khi cụ lớn lên đã thấy cái niếng trong nhà rồi”.

Cũng như chiếc nồi đồng khổng lồ ở bản Hiêu, người dân bản Lác đồn rằng cái niếng được một vị thần trông giữ. Vì thế, mỗi lần dùng đến niếng để đồ xôi người ta phải làm một mân cơm cúng, gồm một chai rượu, một đĩa thịt gà, ba gói cơm được gói bằng lá rừng. Nếu cả người mượn và chủ nhà đều bỏ qua thủ tục trên, cứ thế mang niếng về sử dụng thì sẽ có điều không may xảy ra với một trong hai bên.

Trong trí nhớ của ông Tân thì khi ông còn bé, chiếc niếng được chôn giấu dưới đất, chỉ khi nhà có việc cần dùng mới đào lên, xong việc lại chọn vị trí khác trong vườn nhà để chôn xuống. Sau này, cuộc sống thay đổi, gia đình ông không chôn nữa mà để ngay ngoài sân hứng nước mưa chảy từ mái nhà sàn xuống.

Được một thời gian, hay xảy ra trộm cắp, những đồ vật bằng đồng như cồng, chiêng, niếng... thường bị bọn trộm rình mò lấy đi nên ông Tân cùng con cái di chuyển cái niếng lên trên bếp, vẫn dùng để đựng nước. Ông giải thích vì: “Cách đây 15-20 hôm, nhà ông Đỉnh ngay trong bản có chiếc niếng đồng nhỏ nặng 7kg đã bị trộm mất. Cho nên chiều qua cả nhà tôi đã làm cái thang mới đem cất nồi lên gác nhà, không một mình bà cụ ở nhà, trộm lấy cắp thì cả nhà lại chịu tội vạ của thần linh”.

Không thể hạ chiếc niếng xuống được nên ông Tân đã bắc thang lên thanh đòn nhà sàn, giới thiệu chi tiết vật thiêng: Miệng niếng rộng 50cm, cao 60cm, nặng 33kg, nhưng một thanh niên trai tráng không thể một mình nhấc lên được mà cần ít nhất hai người. Cách đây đã rất lâu, cái niếng bị ăn trộm một lần, nhưng kẻ xấu mới đi cách nhà vài chục mét đã phải bỏ niếng lại vì quá nặng. Niếng bằng đồng dày dặn nhưng chỉ mất 15-20 phút là chín một nồi xôi 10kg gạo nếp. Xôi được đồ bằng niếng này cũng ngon hơn, dẻo hơn những cái niếng bình thường khác.

Đối với người Thái, hình tượng con rắn đặc biệt có ý nghĩa về mặt tâm linh. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuận gió hòa, mang điềm lành và báo điềm dữ. Cả cái niếng lớn không có họa tiết hoa văn gì nổi bật, nhưng riêng hai cái quai được đúc hình hai con rắn giống như chiếc nồi đồng khổng lồ ở bản Hiêu.

Nếu thân nồi bằng đồng có thể giữ nhiệt rất lâu thì hai cái quai không bao giờ nóng, dù nồi có để trên lửa cả ngày, khi cần chỉ việc nhấc nồi xuống bình thường, không cần dùng đến miếng vải đệm tay. Điều đặc biệt này đã được ông Tân xác nhận khi có người lặn lội xe đò vài trăm cây số đến nhà ông chỉ xin mua duy nhất hai cái quai nồi. Chủ nhân của nó dù đã gắn bó đến gần hết cuộc đời cũng không đưa ra được lý giải chính xác về chất liệu hai cái quai khác biệt như thế nào với thân nồi.

Có lẽ, sự kỳ bí thực sự của chiếc niếng nằm trong quá trình nấu. Niếng đã được đặt trên bếp lửa thì nhất thiết không được mở ra kiểm tra, người dùng tuyệt đối cấm sử dụng những từ ngữ đụng chạm đến cái niếng như: Chỉ là cái niếng đồng thôi mà hoặc niếng này có gì hơn niếng bình thường đâu... như thế sẽ bị cho là xúc phạm đến vị thần trong niếng.

Ngay cả việc đun củi cũng thế, phải dùng tay đun củi một các nghiêm túc, tránh dùng chân đá củi vào bếp thì nồi xôi sẽ không chín được như bình thường. Có thể, nồi xôi sẽ chín hết ở trên nhưng dưới đáy nồi lại sống, hoặc bị mất đi một góc cơm to bằng cái bát con. Người dân bản Lác từ đứa trẻ con đến người già luôn một mực tuân theo những quy định ngặt nghèo khi dùng niếng, họ luôn im lặng, không khen - chê niếng.

Có những lúc rơi vào cảnh nghèo khó nhưng gia đình ông Tân luôn ghi nhớ lời nhắc nhở mà cha ông đã truyền lại: “Dù thế nào cũng phải giữ gìn cái niếng cẩn thận, không được bán, nếu không cả nhà sẽ chết. Nên giờ có để tiền tỉ trước mặt tôi cũng không dám bán cái niếng đi”. Mỗi lần có người săn lùng mua đồ cổ, đồ đồng tìm đến đặt vấn đề, xem xét chiếc niếng, cả nhà ông Tân cũng không dám nói đến giá cả, sợ đụng chạm vào thần linh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phương (Người Lao Động)
Chuyện lạ Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN