Trung Quốc ẵm trọn 4 HCV bóng bàn Olympic: Quyền lực vĩnh cửu

Thứ Sáu, ngày 19/08/2016 19:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Olympic Rio có thể coi là một kì Thế vận hội thất bại của thể thao Trung Quốc khi nhiều môn thể thao “ruột” như cầu lông, nhảy cầu đánh mất vị thế độc tôn. Nhưng điều này không xảy ra ở bóng bàn.

Sự kiện: Olympic Tokyo 2020

Không có sự lật đổ nào ở môn bóng bàn Olympic Rio. Chiến thắng trong trận chung kết nội dung đồng đội nam trước Nhật Bản sáng 18/8 đã giúp "đất nước tỷ dân" giành chiếc HCV thứ 4. Đây là kỳ Olympic thứ 3 liên tiếp họ sưu tập đầy đủ bộ HCV.

Trung Quốc ẵm trọn 4 HCV bóng bàn Olympic: Quyền lực vĩnh cửu - 1

Bóng bàn Trung Quốc vẫn duy trì vị thế độc tôn, bất chấp nỗ lực cứu vãn sự hấp dẫn của môn thể thao này từ Ủy ban Olympic và Liên đoàn Bóng bàn thế giới

Trước đó, tay vợt số 1 thế giới Ma Long cũng thắng đồng hương Zhang Jike ở nội dung đơn nam để hoàn tất bộ sưu tập "Gran Slam danh hiệu" (cùng World Championships và World Cup). 

Sẽ chẳng có phàn nàn hay tranh cãi từ giới chuyên môn bởi đơn giản Trung Quốc đã và đang duy trì quá vững vàng thế độc tôn trong làng bóng bàn thế giới. Từ khi bộ môn này được đưa vào thi đấu chính thức tại Olympic 1988, họ  ẵm tới 24/28 HCV.

Thậm chí, nhiều người còn mặc nhiên coi đất nước này như cái nôi của bóng bàn (trên thực tế, Anh mới là nơi khai sinh môn thể thao từng được biết đến với tên gọi nguyên thủy "ping-pong").

Tại kì Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Ủy ban Olympic (IOC) và Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) đã thống nhất gộp các nội dung đôi vào nội dung đồng đội để giới hạn số bộ huy chương xuống 4 (các kỳ Olympic trước có 7 nội dung: đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nam, đơn nữ). Mục đích không gì khác ngoài việc hạn chế sự thống trị của người Trung Quốc.

Rốt cục suốt 8 năm trời, chẳng có cuộc lật đổ nào xảy ra.

Trung Quốc ẵm trọn 4 HCV bóng bàn Olympic: Quyền lực vĩnh cửu - 2

"Giải Trung Quốc mở rộng" - đó là lời ví von của tờ New York Times (Mỹ) về môn bóng bàn ở Olympic Rio 

Sự thừa mứa nhân tài trong lãnh thổ Trung Quốc dẫn đến hiện tượng một số VĐV "tháo chạy" ra nước ngoài, chấp nhận kiếp "lính đánh thuê" để tìm kiếm cơ hội góp mặt tại "biển lớn".

Theo thống kê, bên cạnh 6 thành viên vừa giành HCV, Olympic Rio còn có 38 VĐV gốc gác Trung Quốc đang thi đấu ở các quốc gia ngoài khác, có thể kể đến Singapore (5/5 thành viên gốc Trung Quốc), Úc hay Mỹ (3/6 thành viên).

"Giải bóng bàn Trung Quốc mở rộng" - Tờ New York Times (Mỹ) từng ví von như vậy về kỳ Thế vận hội trên đất Brazil. Nhưng sớm muộn gì, nó cũng trở thành thuật ngữ quen thuộc ở các giải đấu tầm cỡ trong tương lai gần. 

Chia sẻ
Theo Đỗ Anh ([Tên nguồn])
sự kiện Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN