Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe phân khối lớn lên gấp đôi?

Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ quyết định chọn phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở đặc biệt cao đối với các dòng xe trên 3.000 cm3.

Chính phủ vừa trình Quốc hội phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe trên 3.000 cm3 kể từ 1/7/2016.

Trong tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Chính phủ lý giải việc đề nghị tăng thuế suất nói trên do đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Cụ thể, loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 tăng thuế từ 60% lên 90%. Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 tăng thuế từ 60% lên 110%. Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 tăng thuế từ 60% lên 130%.

Đặc biệt, loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 tăng mạnh nhất với mức tăng gấp 2,5 lần mức thuế hiện hành, từ 60% lên 150%.

Chính phủ cũng chọn phương án giảm thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 với mức giảm từ 5-25%.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe phân khối lớn lên gấp đôi? - 1

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe phân khối lớn lên gấp đôi? - Ảnh minh họa

Trước đó, chỉ đạo tại cuộc họp vào tháng 7/2015, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ và áp dụng "mức thuế cao và đặc biệt cao" đối với các dòng xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3.000 cm3.

Song, Bộ Tài chính chỉ muốn các dòng xe phân khối lớn từ 2.000 cm3 trở lên, xe đắt tiền, tiêu hao nhiều nhiên liệu... sẽ phải chịu mức thuế suất cao, từ 60-75%.

Tuy nhiên Bộ Công Thương lại muốn các loại xe sang, xe phân khối lớn phải chịu mức thuế suất cao hơn nữa. Vì thế Bộ Công Thương đề xuất áp dụng thống nhất mức thuế mới đồng loạt từ 1/7/2016 với mức thuế cụ thể cho từng dòng xe đúng như phương án đã được Chính phủ chọn ở trên. 

Liên quan đến dự thảo luật Quản lý thuế, Chính phủ cũng quyết định trình Quốc hội xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007.

Trường hợp DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31/12/2015, nếu còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007 cũng được xem xét xóa nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN