Giấc mơ ô tô nhập khẩu giá rẻ vẫn còn xa

Ô tô, thịt heo, thịt gà nhập từ các nước TPP vào Việt Nam sẽ được xóa thuế nhập khẩu sau 11-13 năm nữa.

Chiều 9-11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại đây Bộ Tài chính đã công bố thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng trong nội khối TPP.

Theo đó, Việt Nam xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000 cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Áp dụng hạn ngạch thuế quan cho ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16. 

Giấc mơ ô tô nhập khẩu giá rẻ vẫn còn xa - 1

Đối với sắt thép, xăng dầu, thịt gà, thịt heo,… Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 10-12. Trong khi đó, dệt may, giày dép, gạo, sữa,… sẽ được xóa bỏ thuế ngay lập tức khi TPP có hiệu lực.

Bộ Tài chính cho biết hai nước có nền kinh tế lớn là Mỹ và Nhật Bản cũng đã có những cam kết xóa thuế cho Việt Nam. Cụ thể, Mỹ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Mỹ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỉ USD) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay. Về thủy sản, Mỹ xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ ba kể từ khi hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).

Đối với dệt may, 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỉ USD). Mỹ cam kết sẽ thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ năm. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ sẽ được giảm thuế suất  35%-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Trong khi đó, Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản - tương đương 10,5 tỉ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan, hoặc cắt giảm một phần, hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt heo, sữa, sản phẩm sữa, lúa mì, lúa gạo và các chế phẩm của Việt Nam.

Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Nhật Bản. Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như: các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ...

Toàn bộ dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam-Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ sáu, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay các thành viên TPP đang hoàn tất các công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN