Nháo nhào vì đau mắt đỏ tấn công trường học

Dịch đau mắt đỏ đang tấn công trường học trên diện rộng. Các trường học trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp phòng chống dịch, thậm chí cho học sinh bị bệnh nghỉ học để tránh lây lan.

Trẻ lành cũng… nghỉ

Hai tuần trở lại đây, dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh ở TPHCM. Các học sinh mầm non, tiểu học vì sức đề kháng còn yếu nên tình trạng lây lan diễn ra rất nhanh. Từ một vài em, đến nay, nhiều trường đã có cả trăm học sinh phải nghỉ học vì bệnh này.

Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn các trường học trên toàn địa bàn thành phố cách phòng chống bệnh và hạn chế tình trạng lây lan. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Kim Thanh, khi phát hiện có học sinh nhiễm bệnh tại đơn vị cần phải cách ly ngay, cho trẻ nghỉ học ở nhà điều trị đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương xử lý triệt để ổ dịch bằng Cloramin B theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

“Ngày nào tôi cũng nhỏ nước muối sinh lý cho con thế mà cũng không tránh được “cơn lốc” đau mắt đỏ”, chị Thu Hiền (Mỹ Đình, Từ Liêm) chia sẻ. Cũng theo chị Hiền, Chủ nhật tuần trước, sau khi ngủ trưa dậy, chị thấy con gái mắt đỏ hoe, có gỉ nên tức tốc gọi điện hỏi cô giáo xem trước đó ở lớp có cháu nào bị đau mắt đỏ không. Cô giáo cho biết, một học sinh lớp khác bị đau trước đó vài ngày, lây sang hai học sinh của mình. Chỉ một tuần sau, giáo viên, phụ huynh học sinh cũng có nhiều người bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ.

Nháo nhào vì đau mắt đỏ tấn công trường học - 1

Khám mắt cho học sinh vào ngày 23/9 tại Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm. Ảnh: TL.

Anh Nguyễn Đức Hùng (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, con anh đang học tại một trường mầm non trên địa bàn. Dạo gần đây, thấy nhiều bạn trong lớp và một số phụ huynh bị bệnh nên anh sợ, không dám cho con đi học tiếp. Anh Hùng kể, ngày đầu tiên, mẹ cháu phải ở nhà trông con vì anh đang đi công tác ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, do vợ không thể nghỉ nhiều nên anh đành xin nghỉ phép về Hà Nội để trông con trong những ngày bị bệnh. Khi có việc cần phải chợ búa hoặc giải quyết việc gấp, chẳng còn cách nào khác, anh Hùng phải đưa cả con gái theo. Đồng thời, anh sắm ngay cho con gái một chiếc kính điệu điệu để đeo mỗi lần hai bố con ra đường cho an toàn.

Anh Nguyễn Hữu Khoa (phố Trần Huy Liệu, Ba Đình) cho biết, con gái anh đang học Trường Tiểu học Kim Đồng. Theo khuyến cáo của cô giáo, học sinh nào có dấu hiệu nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ nghỉ học để tránh lây lan qua các bạn khác. Tại Trường Tiểu học Cát Linh, theo một phụ huynh, lớp con chị cũng có hơn chục học sinh bị bệnh đau mắt đỏ. Vì vậy, nhà trường kiểm soát chặt chẽ các cháu trước khi vào lớp để tránh ảnh hưởng tới các bạn khác.

Phát nước muối ở lớp

Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang diễn ra, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động phòng chống cho học sinh, tránh lây lan trên diện rộng. Tại Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, trong đợt dịch đau mắt đỏ này, hàng ngày nhà trường có trực ban kiểm tra từng lớp xem có trường hợp nào đặc biệt, đồng thời mua thuốc phát cho các lớp để nhỏ dự phòng hàng ngày cho các cháu tại lớp.

Cô Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Hoa Đô (Từ Liêm) cho biết, ngay sau khi phát hiện thấy vài học sinh ở trường bị đau mắt đỏ, nhà trường đã mua nước muối sinh lý về nhỏ hàng ngày cho các con theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện tại, việc nhỏ nước muối vẫn được duy trì để đề phòng bệnh quay trở lại.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã có công văn gửi các phòng GD&ĐT, các trường, yêu cầu lên công tác phòng, chống dịch. Theo đó, khi có các trường hợp có biểu hiện sốt, đau mắt phải cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học. Các học sinh bị đau mắt đỏ không nên đến trường. Nhân viên y tế trường học không tự điều trị đau mắt đỏ cho học sinh tại trường khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế. Các trường học có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời cho các cấp quản lý giáo dục và cơ quan y tế địa phương về dịch đau mắt đỏ tại trường. Bên cạnh đó, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học có tổ chức ăn trưa, bếp ăn tập thể.

Tăng cường công tác phòng chống dịch đau mắt đỏ

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn Số 865/DP-DT gửi Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch đau mắt đỏ.

Theo đó, Cục đề nghị Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bị bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng như: Rửa mặt hàng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch, không dùng chung vật dụng nhất là khăn mặt, kính mắt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân (như: Thau, chậu rửa mặt, bát, thìa, cốc, chén...) và tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ; đặc biệt là tại các phòng khám mắt.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung cấp thuốc, vật tư, hóa chất chống dịch; hỗ trợ kịp thời địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế Dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị trong việc giám sát, xử lý ổ dịch và báo cáo tình hình dịch về Cục Y tế Dự phòng.

Thời gian gần đây, dịch đau mắt đỏ “hoành hành” khắp các địa phương trong cả nước với tỷ lệ và số lượng cao hơn cùng kỳ các năm trước, dư luận xôn xao về tình trạng thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường khẳng định: Ngành dược đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc nhỏ mắt và kháng sinh chống bội nhiễm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ. Hiện nay có hơn 200 số đăng ký lưu hành, gồm cả các thuốc kê đơn và không kê đơn có thể phòng, chống dịch đau mắt đỏ.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương trên không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc trong phác đồ điều trị bệnh đau mắt đỏ của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định.  

An Nhiên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN