Dịch đau mắt đỏ có dấu hiệu hạ nhiệt

Những thay đổi về thời tiết khiến dịch đau mắt đỏ trong cả nước có dấu hiệu giảm.

Dịch đau mắt đỏ tạm lắng

BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, mấy ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 100- 130 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Con số này chỉ bằng 30% so với những ngày đỉnh dịch.

Thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ giảm. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám và điều trị đau mắt đỏ. Trước đó, Bệnh viện tiếp nhận 1.000 đến 2.000 bệnh nhân đến khám, trong đó 20% bị đau mắt đỏ.  Hơn 20 phòng khám của viện phải làm việc hết công suất, tăng giờ làm việc hơn bình thường.

Dịch đau mắt đỏ có dấu hiệu hạ nhiệt - 1

Đợt không khí lạnh về miền Bắc sẽ giúp tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. 

BS Hoàng Cương, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về hồi cuối tháng 9 sẽ giúp tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. 

BS Cương lý giải, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng thất thường khiến bệnh lan nhanh trong cả nước.

BS Cương cho biết, nguyên nhân của dịch đau mắt đỏ lan rộng trong thời điểm trước là do sự dịch chuyển của bệnh nhân từ vùng này sang vùng khác, virút gây bệnh phát tán nhanh. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị mù do phát hiện nhầm bệnh viêm nội nhãn thành đau mắt đỏ. Cụ thể, tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã có 5 trẻ em có nguy cơ bị mù vì tưởng đau mắt đỏ không đến viện.

Theo Th.S, BS Nguyễn Thành Danh, BV Nhi Đồng 2, tại thời điểm này dịch đau mắt đỏ đã bắt đầu có những dấu hiệu giảm dần. Mỗi ngày các bác sĩ tại bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 150 đến 200 trẻ. Tuy số lượng bệnh nhân giảm, nhưng những biến chứng như tổn thương giác mạc, giảm thị lực lại tăng lên, đây là việc thường xảy ra vào thời điểm cuối mùa dịch nên bệnh viện đã tiên liệu trước và có nhiều biện pháp tuyên truyền cho bệnh nhân.

Theo Th.S, BS Bùi Thị Thu Hương – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM, trong 10 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám đã giảm đáng kể. Trong đó, hầu hết là người tới tái khám, số lượng bệnh nhân mới rất ít và bệnh không nặng như thời điểm đỉnh dịch.

Sắp qua mùa dịch?

Do virut gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh nhất vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột nên theo nhiều bác sĩ, đến thời điểm này, dịch đau mắt đỏ cơ bản đã thoái lui.

BS.  Nguyễn Thành Danh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM cho biết, dựa trên kinh nghiệm từ những năm trước, cộng thêm diễn biến dịch của năm nay, khoảng từ 7 đến 10 ngày nữa, dịch đau mắt đỏ sẽ tạm lắng hoàn toàn.

Theo các chuyên gia, điểm nổi bật của dịch đau mắt đỏ năm nay là nhiều người bệnh diễn tiến lâu khỏi hơn và bị bệnh theo cả gia đình.  Bệnh nhân bị đau mắt đỏ không nên pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hơp có thể gây bỏng rát mắt. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân không nên dùng chung đồ vật, tránh tiếp xúc với bệnh nhân, không nói chuyện đối diện với người bệnh, rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mặc dù đã qua thời điểm đỉnh dịch, nhưng người dân cũng không nên quá chủ quan mà không có những biện pháp phòng ngừa, vệ sinh mắt một cách hợp lý, tránh những ảnh hưởng, biến chứng có thể xảy ra.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp chủ động phòng bệnh

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch.

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân.

4. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt.

5. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

6. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh - Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN