Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam

Sự kiện: Sao Việt

Không chỉ là những bác sĩ tận tâm và có chuyên môn vững vàng trong ngành y khoa, họ còn là những nghệ sĩ đầy tài năng và được công chúng yêu mến.

Nhạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

Là tác giả của những ca khúc nổi tiếng làm say lòng người hâm mộ như: "Mùa xuân ơi", "Như khúc tình ca", "Ơi cuộc sống mến thương",... nhưng không phải ai cũng biết ngoài đời nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện còn là một bác sĩ gần gũi và dễ mến.

Sinh năm 1951 tại TP.HCM, ngay từ thuở nhỏ nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã có niềm đam mê bất tận với âm nhạc. Chiếc kèn harmonica là nhạc cụ đầu tiên ông chơi nhưng vì có hứng thú với chiếc đàn guitar hiện đại nên Ngọc nhạc sĩ đã chuyển qua chơi và quyết định gắn bó với nhạc cụ này. Cũng nhờ cây đàn ấy mà những sáng tác đầu tay của ông đã có cơ hội đến với công chúng và được người yêu nhạc nồng nhiệt chào đón.

Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Cơ duyên đến với nghề y của Nguyễn Ngọc Thiện cũng thật đặc biệt. Ngày đó ông định học Luật để có thời gian chơi nhạc, nhưng gia đình không đồng ý. Thế là, ông chọn thi ngành Điện tử của Đại học Bách khoa để nếu có rớt thì tiếp tục chơi nhạc, ba má cũng không phiền lòng. Năm ấy, ông đỗ hạng thứ 12, không đủ điểm vào, phải chuyển sang học dự bị để thi vào trường Y theo ý nguyện của gia đình.

Tuy nhiên, ngay sau khi bước chân vào môi trường y khoa, ông đã say mê và quyết tâm theo đuổi công việc đầy ý nghĩa này. Những ngày tháng sinh viên, Nguyễn Ngọc Thiện đã nổi tiếng hát hay đàn giỏi, lại mê làm công tác thiện nguyện. Mới năm nhất, ông đã theo chân một đoàn cán bộ y tế đến một phường với những xóm lao động nghèo để khám, chữa, nhổ răng miễn phí cho người nghèo.

Từ đó đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã gắn bó với nghề y đúng 40 năm với niềm nhiệt huyết lớn lao mặc dù đôi lúc ông phải gác lại công việc của mình do tác động bởi những hoàn cảnh đặc biệt.

Năm 2004, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" dành cho những đóng góp sáng tạo và cần mẫn của ông với nền y học nước nhà. Đó cũng là thời điểm ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Điều trị Nha khoa tổng quát - Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương. Ở cương vị mới ông vẫn luôn hết lòng với công việc chăm sóc bệnh nhân và luôn tạo cho họ thiện cảm về một người bác sĩ hiền lành, phúc hậu.

Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 2

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh Sài Gòn Giải Phóng.

Ngoài những giờ phút gắn bó với bệnh nhân, phòng khám, Nguyễn Ngọc Thiện lại trở về với đúng bản ngã của mình. Ông say mê với những khúc nhạc như thể nó là một phần máu thịt và thổi vào đó những ca từ đầy lãng mạn, quyến rũ. Chẳng vậy mà những sáng tác của ông luôn có chỗ đứng trong làng nhạc Việt và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu nhiều với nhiều thế hệ thính giả.

Ở Nguyễn Ngọc Thiện người ta ấn tượng bởi một bác sĩ nha khoa có tiếng hay một nhạc sĩ lừng danh? Câu hỏi đó luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Thế nên, bằng một giọng điệu hóm hỉnh ông đã giúp khán giả giả đáp băn khoăn ấy: “Cả hai nghề đều nuôi sống tôi trong từng giai đoạn khác nhau, nhưng tôi thích người ta nhớ tôi là một nhạc sĩ trước tiên vì các bài hát sẽ làm cho người ta bị quyến rũ, bay bổng và tôi nhân cơ hội đó sẽ chữa răng hoặc nhổ răng mà mọi người không cảm thấy đau đớn gì cả, khi đó khỏi cần thuốc gây tê!” - Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ trên báo Công an Nhân dân.

Ca sĩ - bác sĩ Lê Hành

Nhắc đến cái tên Lê Hành, mọi người ai cũng biết ông là một bác sĩ Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Thẩm mỹ tài hoa. Không chỉ vậy, người ta còn biết tới một giọng ca trầm ấm, ngọt ngào vang bóng một thời với các bài hát trữ tình về quê hương, cách mạng. 

Sinh năm 1953, lớn lên ở một vùng quê nghèo xứ Huế, Lê Hành sớm mang trong mình những khát vọng vươn lên trong cuộc sống và trong học tập. Chính vì thế suốt những năm còn là học sinh tiểu học, trung học, ông luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và không ít lần được vinh danh.
 
Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 3

Bác sĩ Lê Hành đang khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh Vietnamnet.
"Tôi đến với nghề bác sĩ giống như một sự sắp đặt, cả giả đình ai cũng mong muốn tôi trở thành một bác sĩ giỏi khi lớn lên để giúp mọi người. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với tôi là sự say mê y học đã trở thành ước mơ cháy bỏng từ thuở bé thơ. Mỗi lần đau ốm đi bệnh viện khám, nhìn thấy bác sĩ mặc áo trắng, tôi có cảm giác oai phong khó tả” - bác sĩ Lê Hành chia sẻ trên báo Người đưa tin.

Lê Hành may mắn được lớn lên trong một gia đình ai cũng biết đờn hát với giọng Huế ngọt ngào ấm áp tình người. Cái nôi âm nhạc bé nhỏ ấy đã sớm nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật trong anh. Xuất phát từ tình yêu ca hát, từ tấm bé Lê Hành thấy gì cũng hát và coi đó là niềm vui giải trí của mình.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp tú tài, Lê Hành khăn gói vào TP.HCM quyết định nộp đơn thi vào Trường Y khoa và đậu thủ khoa. Những năm tháng ở giảng đường đại học là khoảng thời gian đẹp để chàng sinh viên xứ Huế thể hiện bản thân, từng bước tiến gần đến ước mơ chảy bỏng của mình. Để thực hiện ước mơ, Lê Hành không ngừng lao vào học tập và nghiên cứu phát triển khả năng của mình.
 
Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 4

Ca sĩ, bác sĩ Lê Hành thể hiện ca khúc " Một đời người một rừng cây". Ảnh Doanh nhân Sài Gòn.

Tuy việc học tập có nhiều vất vả, ông vẫn không quên niềm say mê ca hát của mình với âm nhạc. Lê Hành với nhiều ca sĩ cùng thời mang tiếng hát của mình đi phục vụ cho bộ đội thanh niên xung phong, công nhân với tinh thần tiếng hát đi vào lao động.

Với niềm đam mê ca hát cháy bỏng, từ một ca sĩ nghiệp dư, Lê Hành phấn đấu luyện tập hết mình để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Thế nhưng, cho đến năm 1984, ông nhận thấy cần phải tạm gác việc ca hát để tận tâm cho ngành y của mình.

Cho đến hôm nay, khi công danh sự nghiệp đã viên mãn Lê Hành lại có dịp để tổng kết hai niềm đam mê lớn nhất của đời mình là âm nhạc và y học. Ông tâm đắc rằng nghệ thuật trong âm nhạc cũng giống làm đẹp trong phẫu thuật thẩm mĩ, tất cả đều phải biết dung hòa giữa cái đẹp chuẩn mực với thực tế để thu về kết quả khả quan nhất.
 
Nghệ sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng sinh năm 1930, trong một gia đình danh giá. Bố là ông chủ Hãng rượu Hải Dương, một đại tư sản thời Pháp. Mẹ làm thư ký cho nhà buôn Bạch Thái Bưởi.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội danh tiếng, bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng đã được đào tạo sâu về chuyên khoa Lao, chuyên khoa ung thư, chuyên khoa điện quang chẩn đoán. Chỉ tính riêng trong nghề y, ông đã kinh qua rất nhiều công việc và chức vụ: Bác sỹ Bệnh viện K74 ở Phúc Yên; Trạm trưởng Trạm Y tế Châu Phan (Mê Linh); Giảng viên Đại học – Chủ  nhiệm khoa X-quang Bệnh viện K; Thư ký Khoa học và sức khỏe của Giáo sư Tôn Thất Tùng…
 
Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 5

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng bên vườn thuốc nam sum suê. Ảnh Người đưa tin.

Năm nay đã 85 tuổi, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng không chỉ là một lão lương y danh tiếng về thuốc nam của Hà Nội mà còn là một nhân vật nổi tiếng từng làm tốn biết bao giấy mực của báo chí về "Chuyện tình cụ 80 và thiếu nữ 20 ở Hà Nội".

Đó là mối tình đẹp thời hiện đại giữa một ông lão đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, phúc hậu với một cô gái người Mường nết na, thùy mị ở tuổi ngoài 20. Họ phải lòng nhau và mặc cho sự chênh lệch tuổi tác đến khó tin thì hai người vẫn có một tổ ấm hạnh phúc với hai nhóc tì xinh xắn.
 
Bật mí về những bác sĩ “kiêm” nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam - 6

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Trọng hạnh phúc bên tổ ấm của mình. Ảnh VTC News.

Không chỉ nổi tiếng với nghề y, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng còn được biết đến với trên nhiều lĩnh vực, từ văn thơ, nhạc họa, nhiếp ảnh đến kiến trúc, xây dựng. Và ở chuyên ngành nào ông cũng được đánh giá cao.

Ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ với nhiều thể loại và là Hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam. Tập thơ "Huyền thoại dấu chân mẹ" của ông được cấp phép ấn hành năm 2009 có tính nhất quán cao trong nội dung tư tưởng nghệ thuật và giá trị thẩm mĩ.

Không những vậy, rất nhiều bức ảnh của ông đã lọt vào mắt xanh của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, hàng trăm bức tranh ông vẽ mang đầy tính nghệ thuật được giới chuyên môn nhìn nhận, đánh giá cao.

Là một người con của quê hương Kinh Bắc, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng cũng dành rất nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quan họ Bắc Ninh, góp phần đưa loại hình nghệ thuật này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại năm 2009.

Với những đóng góp tích cực của mình cho lĩnh vực văn hóa, năm 2012 Nguyễn Hữu trọng đã được trao tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là một trong những niềm vinh dự lớn lao nhất đối với người nghệ sĩ - bác sĩ đặc biệt này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hậu Thạch (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN