Nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, bệnh nhân đột quỵ tăng

Sau 3 ngày rét kỷ lục, tại các bệnh viện đều ghi nhận số bệnh nhân vào cấp cứu đột quỵ tăng lên, trong đó có những bệnh nhân phải điều trị lọc máu ngoài cơ thể, kỹ thuật ECMO.

Tại khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết các giường bệnh đều chật kín bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Phạm Thế Thạch cho biết, khoa đang quá tải, 45 giường đã kín bệnh nhân. Trong 3 ngày qua, liên tục tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính đợt cấp, bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, có trường hợp nặng phải dùng ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể).

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, chỉ sau 3 ngày rét đậm đã có hơn 20 bệnh nhân liên quan đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim nhập viện. Theo TS Hùng đây là sự tăng đột biến.

Nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, bệnh nhân đột quỵ tăng - 1

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Qua khai thác người nhà các bệnh nhân, nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đang trong chăn ấm, trong nhà ấm đi ra bên ngoài gặp rét đột ngột khiến cơ thể phản xạ gây co mạch và gây những tai biến này. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân là người trẻ cũng bị tai biến, có thể họ mắc bệnh lý dị dạng mạch máu, khi gặp yếu tố thời tiết tác động gây hiện tượng co mạch làm tai biến.

Thời tiết rét đậm, rét hại là thời điểm những người bị bệnh mãn tính hay đổ bệnh. Đặc biệt là những người có tiền sử cao huyết áp, mạch vành. Bình thường, cơ thể con người trong nhiệt độ ấm, đi ra ngoài gặp khí lạnh đột ngột sẽ khiến các mạch máu co lại là nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột, tai biến có thể xảy ra. TS Hùng nhấn mạnh, sự thay đổi trong tích tắc có thể ngay lập tức khiến người bệnh lên cơn đột quỵ, vì thế không nên để cơ thể thay đổi đột ngột. Ví dụ đang ở trong phòng đóng kín cửa, bước ra ngoài hoặc mở cửa đi ra thời tiết ngoài trời là 8 độ C, chênh lệch nhiệt độ có thể gây đột quỵ chỉ trong tích tắc.

Để phòng chống bệnh, theo TS Hùng, thời tiết này đặc biệt lưu ý người già, những người đã có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não cần hết sức chú ý về sự thay đổi nhiệt độ trong những ngày giá rét này. Ông cũng khuyến cáo người già đêm hôm lạnh muốn đi vệ sinh không nên ra ngoài trời (nhất là ở các vùng nông thôn). Hệ thống vệ sinh khép kín trong nhà sẽ phòng được đáng kể nguy cơ gặp lạnh đột ngột do đang trong chăn ấm vùng dậy, mở cửa ra ngoài đi vệ sinh.

Bên cạnh đó, các bệnh lý mãn tính về hô hấp như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn tính cũng tăng hơn so với thời điểm nắng ấm trước đó.

Cũng trong ngày 25/1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo thời tiết lạnh bất thường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường phòng chống rét cho người bệnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ tiếp tục giảm, nhiều nơi xuống dưới 0 độ C, báo động rủi ro thiên tai cấp độ 1. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cảnh báo diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, nhất là người già và trẻ em.

Nhằm giảm thiểu tác hại do thiên tai, Cục yêu cầu các sở y tế và bệnh viện trên cả nước tăng cường công tác phòng chống rét cho người dân, đặc biệt là bệnh nhân và thân nhân đang khám chữa tại các cơ sở y tế. Các đơn vị y tế phải có giải pháp chống rét tại nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám, buồng điều trị, phòng kỹ thuật. Khu điều trị cho người bệnh phải che chắn kín gió, có đủ chăn đệm ấm, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp.

Các cơ sở y tế được yêu cầu phòng chống rét cho người thăm nuôi bệnh, không để họ nằm trên sàn nhà lạnh hay hành lang gây nguy hại sức khỏe. Ngành y đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời các ca cấp cứu thường gặp vào mùa lạnh như đột quỵ, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do virus...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phúc Mai (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN