Trẻ nhỏ nguy kịch vì ngộ độc sắn

Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi Khổng Thu H. (7 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bị ngộ độc sắn.

Bé Thu H. nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, lơ mơ, khó thở, tím tái. Theo gia đình, cháu H. đã ăn hai khúc sắn trồng trong vườn, ăn khi đói bụng, sắn chưa bóc hết vỏ và chưa được ngâm kỹ. Những người ăn cũng cháu không có biểu hiện gì bất thường.

Trẻ nhỏ nguy kịch vì ngộ độc sắn - 1

Không nên ăn sắn khi đói bụng, chưa bóc hết vỏ và chưa ngâm nước, luộc kỹ. Hình minh họa

Ths-BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết ngộ độc sắn chính là ngộ độc cyanid có trong sắn, còn gọi là axít hydrocyanic gây ngạt và thiếu oxy tế bào.

Hiện nay ngộ độc sắn ít gặp hơn trước đây và tình trạng ngộ độc này thường gặp ở vùng sâu, vùng xa. Người bị ngộ độc do ăn phải sắn rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Nếu bóc vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc thì chất độc sẽ mất đi.

Ngộ độc nặng hơn ở trẻ em và người suy dinh dưỡng, đặc biệt là nếu ăn sắn khi đói và ăn nhiều.

Theo BS Vinh, có thể phòng tránh ngộ độc sắn bằng cách không ăn sắn khi đói, trước khi ăn nên gọt vỏ, ngâm nước, luộc kỹ và không nên ăn quá nhiều.

Nếu thấy trẻ có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, lơ mơ sau khi ăn sắn thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Sau ba ngày cấp cứu, hiện sức khỏe của cháu H. đã ổn định và được ra viện. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hà (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN