Ước mơ ngày về của người tù từng là trưởng công an xã

Những đêm dài trong bốn bức tường lạnh lẽo của buồng giam là những đêm dài phạm nhân Chu Văn Tân có những giấc ngủ chập chờn.

Hình ảnh của người vợ trẻ và hai đứa con dại luôn hiện hữu trong đầu Tân mỗi khi màn đêm buông xuống trại giam. Tuổi trẻ, từng là trưởng công an xã, nhưng con đường tiến thân sán lạn đóng sập trước mắt người tù này chỉ vì lòng tham, sự coi thường pháp luật.

Ước mơ ngày về của người tù từng là trưởng công an xã - 1

Phạm nhân Chu Văn Tân trước ngày chờ đặc xá. Ảnh: H.Châu

Vết trượt cuộc đời cựu trưởng công an xã

Những phút đầu gặp chúng tôi tại Trại giam Nam Hà (Tổng cục VIII, Bộ Công an), phạm nhân Chu Văn Tân (SN 1973, ở xóm Chùa, thôn Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tỏ ra rụt rè khi nói về cuộc đời mình. Được sự động viên của các “thầy” trong Trại giam Nam Hà, Tân mới ngập ngừng tâm sự: “Sau nhiều năm tháng phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình trong trại giam, tôi không phút giây nào vơi nỗi nhớ vợ con. Càng thương vợ và hai đứa con nhỏ dại bao nhiêu, tôi càng tự oán trách bản thân bấy nhiêu. Tôi đã thấm thía cuộc đời. Nếu có phép nhiệm màu giúp tôi quay ngược lại thời gian thì tôi sẽ không bao giờ sai lầm như thế nữa”.

Tân kể, anh ta sinh ra trong một gia đình gia giáo được nuôi ăn học tử tế. Ông nội của Tân là liệt sỹ chống Pháp, bố là cán bộ huyện. Học xong THPT, Tân đi bộ đội rồi phục viên về địa phương làm cán bộ đoàn. Do là người năng nổ nhiệt tình trong công tác đoàn và có trình độ nên năm 2010, Chu Văn Tân được bổ nhiệm chức vụ là Trưởng Công an xã Đồng Than. Rồi Tân khoe mình đã có một gia đình hạnh phúc với người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ ngoan ngoãn. Bản thân Tân cũng đã nằm trong diện cán bộ quy hoạch của chính quyền địa phương. Nhưng tất cả đã sụp đổ khi Tân không thoát được sự cám dỗ của đồng tiền. “Tôi đã mất tất cả chỉ vì sự lầm lỡ của mình”, Tân nghẹn lời.

Theo trích ngang bản án của Chu Văn Tân, từ năm 2009 - 2010, đối tượng Trần Văn Thăng đã câu kết với các đối tượng nước ngoài ở Việt Nam và một số đối tượng ở trong nước gồm: Phạm Văn Quỳnh, Nguyễn Ngọc Canh, Trần Văn Bản, Chu Văn Tân, Chu Đăng Hòe để hình thành đường dây làm giả giấy tờ nhằm tổ chức đưa người Việt Nam trốn sang nước ngoài. Riêng cá nhân Chu Văn Tân (khi đó là Trưởng Công an xã Đồng Than) đã ký 26 đơn xin cấp giấy CMND, sổ hộ khẩu của 26 người có họ tên giả, đều lấy địa chỉ cư trú tại xã Đồng Than. Mỗi trường hợp, Tân được trả công 500.000 đồng.

Vụ việc bị phát hiện, ngày 20/9/2012, Tân đã phải tra tay vào còng số 8 trước ánh mắt ngỡ ngàng của người vợ trẻ và hai đứa con thơ dại. Sau đó, Tân phải trả giá cho lỗi lầm cuộc đời bằng bản án 5 năm tù giam về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Chờ đợi ngày đoàn tụ

Trong buổi trò chuyện vời chúng tôi, Tân bảo, đêm nào ở trong tù anh ta cũng mong trời mau sáng. Điều đó có nghĩa rằng sẽ sang một ngày mới và ngày được trở về đoàn tụ với người vợ trẻ tảo tần và hai đứa con dại vắng cha gần hơn. Khi bị bắt, có lẽ ám ảnh lớn nhất của người tù này là cảnh người vợ (chị Chu Thị Nhuần - PV) nước mắt lưng tròng nhìn theo chồng, bên cạnh đứa con nhỏ là cháu Chu Quang Minh mới hơn 6 tuổi. Hình ảnh ấy đã thôi thúc Tân chấp hành án, cải tạo tốt để mong được giảm án, đặc xá trở về với gia đình.

Tân kể, từ ngày anh ta vi phạm pháp luật và phải trả giá ở nơi giam giữ, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chị Nhuần. Ở trong trại, Tân cũng biết rằng vợ và các con mình hết sức vất vả khi trong gia đình vắng bóng người đàn ông. Những ngày nông nhàn, chị Nhuần phải đi làm thêm để có tiền nuôi hai con ăn học. Tuy nhiên, trong tất cả những lần vào trại thăm chồng, chị Nhuần chưa một lần nào hé răng về những vất vả trong cuộc sống mà mẹ con chị phải hứng chịu. Nhưng, Tân biết và hiểu hết. “Càng nghĩ đến cảnh ấy, tôi càng thương vợ và biết ơn cô ấy. Cuộc đời không có chữ nếu anh ạ”, phạm nhân Chu Văn Tân tâm sự.

Theo lời Tân, khi anh ta bị bắt đến nay chưa một lần nào Tân được gặp con, nỗi nhớ con day dứt từng đêm. Đặc biệt là đứa con thứ hai, cháu Chu Quang Minh (năm nay đang học lớp 3). Bé Minh vẫn nghĩ rằng bố đang đi công tác và nhớ đến hình ảnh của bố qua câu chuyện kể của mẹ.

Tân thi hành án tại đội số 43, phân trại 1. Quá trình cải tạo của phạm nhân này được cán bộ quản giáo đánh giá khá tốt. Phạm nhân này được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phong trào phạm nhân thi đua chấp hành án phạt tù 6 tháng đầu năm 2015 nên có tên trong danh sách được đề nghị xét đặc xá dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 này.

Khi nói đến ngày về đoàn tụ với gia đình, trở lại với thế giới tự do, đôi mắt phạm nhân Chu Văn Tân vụt sáng. “Tôi sẽ không cho phép mình có thêm sai lầm thứ hai trong cuộc đời. Đời người vốn ngắn ngủi và phải biết trân trọng nó trước mỗi quyết định, trước mỗi hành động. Khi biết thông tin tôi có tên trong danh sách được xét đặc xá, tôi hết sức vui mừng, hạnh phúc. Ngày tôi được trở về với vợ con đang đến rất gần. Tôi sẽ bù đắp tình cảm trống vắng cho vợ và các con tôi sau nhiều năm tôi chờ đợi từng ngày trong trại giam”, Tân chia sẻ.

Theo cáo trạng, Chu Văn Tân và các đồng phạm đã làm đơn đề nghị cấp giấy chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu giả cho nhiều đối tượng để được cấp hộ chiếu xuất cảnh đi nước ngoài trái phép. Trong số đó, có 20 trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài trót lọt với hộ chiếu giả, 24 trường hợp đã làm được hộ chiếu giả nhưng cơ quan chức năng chưa xác định được tên thật và địa chỉ.

Với cáo buộc này, Tân bị tuyên phạt 5 năm tù về tội tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài; thuộc cấp của Tân là Chu Đăng Hòe (SN 1961, nguyên Phó Trưởng Công an xã Đồng Than) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo vì tội giả mạo trong công tác. Trong vụ án này còn có các bị cáo: Bản, Canh, Quỳnh, Thăng bị phạt từ 2 - 7 năm tù giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Châu (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN