Xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Trường top giữa và top dưới lo chống “ảo”

Sau hơn một tuần nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ), nhiều trường đại học đang bội thu hồ sơ. Tuy nhiên, rất nhiều trường vẫn lo tỷ lệ ảo cao, bởi năm nay thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học.

Đủ cách chống “ảo”

Tính đến hết ngày 8/8, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhận được khoảng 6.100 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của trường chỉ hơn 3.000 sinh viên. Mặc dù lượng hồ sơ gấp đôi chỉ tiêu song PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng trường vẫn lo ngại về tỷ lệ ảo.

Theo ông Hoàn, trong dữ liệu xét tuyển từ điểm thi của Bộ GD&ĐT, ngoài thông tin thí sinh đăng ký vào trường mình còn có thông tin thí sinh đó đăng ký ngành nào và trường nào khác. Dựa trên thông tin đó, kết hợp với khảo sát điểm chuẩn hàng năm của các trường trên địa bàn, đánh giá mức điểm và “thương hiệu” của các trường, các ngành, từ đó, trường sẽ lọc bớt số lượng thí sinh có khả năng ảo. 

“Ví dụ như trường hợp thí sinh có điểm khối A là 25 điểm xét tuyển vào ngành kế toán của trường và trường Đại học Kinh tế thì rõ ràng cơ hội trúng tuyển vào Đại học Kinh tế của em đó rất cao và nếu trúng tuyển chắc chắn sẽ chọn Đại học Kinh tế nên thí sinh này có thể xem thí sinh là ảo”, ông Hoàn nói về cách chống ảo của trường.

Tương tự, trường  Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hiện có số lượng hồ sơ nộp vào trường đã gấp đôi chỉ tiêu (hơn 7.000 hồ sơ). Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang tổng hợp các dữ liệu để chống ảo.

“Ngay trong tối 12/8, khi kết thúc quá trình nhận hồ sơ, trường sẽ tiến hành phân tích dựa trên số lượng thí sinh đăng ký vào ngành, vào trường của mình với ngành và trường thứ hai thí sinh nộp vào, cộng với điểm chuẩn qua các năm… để loại bớt thí sinh ảo. Tuy nhiên, phương án quan trọng nhất mà trường áp dụng để chống ảo đó là gọi nhập học cao hơn chỉ tiêu dự kiến để trừ hao”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, trường Đại học Văn Hiến TPHCM chống “ảo” bằng cách gọi điện thoại đến từng thí sinh thông qua việc tư vấn, hướng nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng Truyền thông và Sự kiện trường Đại học Văn Hiến cho biết, thí sinh sau khi nộp hồ sơ vào trường, phòng tuyển sinh sẽ gửi danh sách về từng khoa để các giảng viên gọi điện tư vấn cho thí sinh.

Trường top giữa và top dưới lo tỷ lệ ảo cao

Đã đến những ngày cuối của đợt nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Các trường cũng đã nhận được “hòm hòm” hồ sơ. Tuy nhiên, theo nhận định của các trường, năm nay những trường tốp dưới, tốp giữa khó tránh khỏi ảo. 

GS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, trường hiện nhận được 2.000 hồ sơ nguyện vọng 1 và khoảng vài nghìn hồ sơ nguyện vọng 2. Tuy nhiên, hiện tại trường chưa thống kê xem có bao nhiêu thí sinh chỉ nộp 4 nguyện vọng trong nhóm GX, bao nhiêu thí sinh đăng ký nửa trong nửa ngoài. Do đó, trường cũng không đoán được tỷ lệ ảo như thế nào. Nhưng theo ông Thụ,  do đã có kinh nghiệm trong tuyển sinh nên cũng không đáng lo ngại.

“Năm nay, thí sinh được phép đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, Bộ GD&ĐT tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, vì quyền lợi của thí sinh nên các trường đều chấp nhận” – ông Thụ cho hay. Trong khi đó, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường cũng đã nhận được 4.000 hồ sơ. “Tuy nhiên, trong số này, tôi dự đoán, tỷ lệ ảo cũng rất cao. Như năm 2015, tỷ lệ ảo là 50%” – ông Hóa cho hay. Cũng theo Hóa, kết thúc tuyển sinh đợt 1 xem tình hình thế nào rồi sẽ có phương án tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Dũng - Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN