Xét tuyển đại học: "Rối như canh hẹ"

20 ngày xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua đã gây ra quá nhiều bức xúc, mệt mỏi cho thí sinh và người thân. Liệu Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị tốt khâu tuyển sinh, hay cơ quan này đã mang học sinh ra làm "chuột bạch" cho những đổi mới của mình?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã chia sẻ với phóng viên sau những ngày thí sinh đăng ký xét tuyển mệt nhọc.

Xét tuyển đại học: "Rối như canh hẹ" - 1

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Thưa ông, 20 ngày rút - nộp hồ sơ nguyện vọng 1 có quá nhiều lời than phiền về quy định rút - nộp hồ sơ mà Bộ GD-ĐT gây ra cho thí sinh. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này, liệu những "ưu việt" của kỳ thi được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh có đạt được mục đích không, thưa ông?

- Thực ra việc tuyển sinh sẽ không "rối như canh hẹ" như thời gian vừa qua nếu Bộ GD-ĐT làm tốt khâu chuẩn bị, cũng như bỏ quy định cho phép thí sinh rút hồ sơ tràn lan.

Ban đầu mới nghe qua, ai cũng cho rằng việc cho thí sinh rút hồ sơ nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh có thể trúng tuyển vào trường, ngành học mà họ yêu thích, song thực tế cho thấy, việc này đã gây ra những "náo loạn" không đáng có cho việc tuyển sinh vốn đã quá phức tạp.  

Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi này thất bại, không đạt được kỳ vọng là giảm áp lực cho thí sinh. Ông nghĩ sao về điều này?

- Mặc dù Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi này sẽ giảm chi phí cho thí sinh và xã hội, nhưng tôi cho rằng mục tiêu này chưa đạt được kết quả mong đợi.

Tôi chỉ dẫn chứng một ví dụ đơn giản nhất, trong thời gian xét tuyển vừa qua, mỗi một thí sinh và người thân khi "hành quân" về Hà Nội phải chuẩn bị một khoản kinh phí khoảng 5 triệu đồng. Con số này nhân lên với khoảng gần 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ là khoảng 5.000 tỷ đồng. Đó là con số lớn khủng khiếp, tốn kém kinh phí của xã hội.

Vậy, ưu điểm lớn nhất của kỳ thi quốc gia chung 2015 là thí sinh bớt đi một kỳ thi còn có gì khác, thưa ông?

- Ngoài việc thay bằng thí sinh phải thi 2 lần như những năm trước, nay giảm xuống còn một lần. Tôi cho rằng kỳ thi năm nay chưa đạt được mục tiêu đổi mới giáo dục.

Cụ thể về quy định môn thi, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh thi 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn, điều này vô hình trung khuyến khích học sinh học lệch. Thực tế thời gian qua cho thấy, các nhà trường phổ thông rất khổ sở vì hằng ngày hằng giờ vẫn phải dạy những đối tượng không thích học do họ không chọn đó là môn thi mà vẫn phải ngồi nghe giảng.

Về việc phân bố các cụm thi cũng chưa phù hợp. Tôi cho rằng thay bằng việc chia nhỏ ra hơn 100 cụm thi, Bộ GD-ĐT nên cho phép tổ chức thi ở tất cả các tỉnh, thành. Tự các tỉnh, thành này sẽ tổ chức thi cho thí sinh trên địa bàn, không có chuyện học sinh phải di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để dự thi, gây tốn kém, mệt mỏi.

Xét tuyển đại học: "Rối như canh hẹ" - 2

Thí sinh mệt mỏi chờ đợi cả ngày đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Vậy theo ông, để xảy ra tình trạng "rối như canh hẹ” trong việc xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua, lỗi thuộc về ai?

- Lỗi này thuộc về Bộ GD-ĐT. Họ chưa nghiên cứu kỹ những quy định tuyển sinh, đến khi thực hiện mới nhận ra những vướng mắc. Tôi cho rằng, thay bằng việc Bộ GD-ĐT "ôm khư khư" việc xét tuyển, bộ nên để cho các trường tự chủ tuyển sinh.

Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào học ngành nào, trường nào từ học kỳ 2 của năm lớp 12, sau đó khi tiến hành kỳ thi quốc gia, có kết quả thi, trường có thể đặt ra điểm đầu vào, thí sinh căn cứ vào đó để nộp hồ sơ.

Thời gian xét tuyển do từng trường quy định, có thể 5 ngày hay 10 ngày, khi hết thời hạn đó nếu thí sinh không trúng tuyển, nhà trường phải trả lại hồ sơ để thí sinh đi nộp trường khác. Như vậy, thí sinh sẽ chủ động được việc chọn ngành nghề theo sự yêu thích cá nhân, việc xét tuyển cũng sẽ không rối như tơ vò, xã hội cũng không quay cuồng trong vòng tuyển sinh như thời gian qua. *Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT cho thí sinh 4 nguyện vọng như thời gian qua khiến họ lựa chọn ngành, nghề không theo sở thích mà ưu tiên số một là điểm số. Vậy theo ông, hệ quả của việc này như thế nào?

- Hậu quả của việc học không có sự đam mê là học sinh cốt học để lấy cái bằng. Đó còn chưa kể, trong quá trình học nếu không có sự yêu thích, việc học không thể tốt, chứ đừng nói tới chuyện giỏi giang.

Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên có lời xin lỗi với phụ huynh và học sinh vì những mệt mỏi mà cơ quan này gây ra thời gian qua trong tuyển sinh, ông có bình luận gì về điều này?

- Xin lỗi là thuộc về văn hóa ứng xử trong từng hoàn cảnh. Những mệt mỏi, bất hợp lý trong thời gian là điều có thật, nhiều người đều bức xúc, nếu Bộ GD-ĐT thấy cần xin lỗi thí sinh thì nên làm.

Xin cảm ơn ông!

Bộ GD-ĐT xin lỗi là cần thiết

Trong suốt thời gian làm trong ngành giáo dục, tôi chưa từng thấy có câu chuyện tuyển sinh nào như năm nay. Tôi cũng chưa thấy có đất nước nào thi như đất nước ta.

Dư luận đã hoàn toàn phản ánh đúng khi miêu tả về cuộc thi, như “đánh đề”, “chơi xổ số”, khi thí sinh không có bất cứ một thông tin gì cần thiết. Ngay cả các trường đại học cũng lúng túng khi việc thay đổi điểm chuẩn dự kiến liên tục thay đổi, học sinh cuống cuồng rút hồ sơ rồi lại nộp hồ sơ. Khi lượng thí sinh rút ra rồi đồng loạt nộp vào một trường khác khiến trường kia lại biến động, hàng loạt thí sinh “bắn” khỏi ngưỡng điểm an toàn.

Theo tôi, điều Bộ GD-ĐT cần làm là tổng kết rõ ràng kỳ thi thành công ở chỗ nào, thất bại ở chỗ nào. Tôi đánh giá, ba tiêu chí của kỳ thi đều không thực hiện được. Thứ nhất là tiết kiệm tiền bạc, bởi thực tế thí sinh - phụ huynh phải đi lại và theo dõi suốt quá trình dài. Tiêu chí thứ hai là một kỳ thi “không gây sốc” cho thí sinh, nhưng đã làm các em rất căng thẳng, quay cuồng. Tiêu chí thứ ba là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh vào đại học không đạt, do nằm ở việc phân bố nguyện vọng rất “lôi thôi”. Tôi vẫn đánh giá là kỳ thi không thành công, mà là thất bại.

Lúc này, lời xin lỗi của Bộ GD-ĐT với nhân dân là điều cần thiết.

(PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN