Vì sao hàng ngàn sinh viên ĐH Tây Nguyên bị buộc thôi học?

Tại các trường đại học, cao đẳng, tình trạng bị buộc thôi học không phải là quá xa lạ. Tuy nhiên, những con số được cung cấp khiến dư luận không khỏi giật mình.

"Danh sách đen" nối dài

Đại học Tây Nguyên vừa công bố danh sách dự kiến các sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 của năm học 2014 – 2015. Thông báo này được đưa ra trên căn cứ kết luận tại cuộc họp hội đồng xét thôi học, ngừng học cho sinh viên diễn ra vào cuối tháng 10.

Trong danh sách, có 1.041 sinh viên của 8 khoa được nêu tên trong thông báo. Trong đó, có 414 sinh viên bị buộc thôi học và 627 sinh viên nằm trong diện cảnh cáo.

Số sinh viên này rải đều trong 8 khoa. Trong đó, có số lượng sinh viên nằm trong “danh sách đen” nhiều nhất là khoa Nông lâm nghiệp, khi có tới 128 sinh viên bị buộc thôi học và 183 sinh viên bị cảnh cáo. Tiếp theo là khoa Kinh tế có 123 sinh viên bị buộc thôi học và 180 sinh viên bị cảnh cáo. Khoa có ít sinh viên nằm trong “danh sách đen” là Lý luận chính trị có 11 sinh viên bị thôi học và 16 sinh viên bị cảnh cáo.

Vì sao hàng ngàn sinh viên ĐH Tây Nguyên bị buộc thôi học? - 1

Danh sách Đại học Tây Nguyên công bố khiến dư luận không khỏi giật mình.

Vào học kỳ trước, trường này cũng đã có thông báo việc xét thôi học, cảnh báo. Theo đó, có 363 sinh viên bị buộc thôi học và 817 sinh viên bị cảnh cáo.

Theo tìm hiểu, tình trạng sinh viên bị buộc thôi học không phải là quá xa lạ. Tại Đại học Sư phạm TP.HCM mỗi năm, có hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học. Riêng năm 2013 có đến 500 sinh viên phải nhận quyết định này.

Tại Đại học Nông Lâm TP. HCM cũng có 280 sinh viên bị buộc thôi học, còn số lượng sinh viên bị cảnh cáo cao hơn nhiều. Tại trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, mỗi năm cũng có khoảng 2.000 sinh viên bị kỷ luật, trong đó, khoảng một nửa bị buộc thôi học.

Tại miền Nam, trường Đại học Ngân hàng được xem là trường “hot”, luôn có đầu vào khá cao. Thế nhưng, kết thúc học kỳ 1 vừa qua, trường buộc phải thôi học 201 sinh viên và đưa ra cảnh cáo khoảng 100 sinh viên.

Trong khi đó, tại Đại học Đà Nẵng, mỗi năm cũng có hàng trăm sinh viên thuộc “danh sách đen” phải nhận quyết định buộc thôi học hay bị cảnh báo.

Lý do vì đâu?

Ông Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên cho biết, các sinh viên nằm trong “danh sách đen” phần lớn là tự ý bỏ học hoặc có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1.0 (tính theo thang điểm 4.0). Sau khi cảnh báo quá hai lần, sinh viên không khắc phục được nên nhà trường mới ra quyết định buộc thôi học.

Nhà trường cũng yêu cầu lãnh đạo các khoa làm việc với sinh viên có tên trong danh sách thông qua cố vấn học tập để lấy ý kiến, nguyện vọng và giải pháp khắc phục của sinh viên bằng đơn cá nhân. Thời hạn nhận đơn trong vòng 10 ngày kể từ ngày thông báo. Sau thời gian này, nếu không nhận được phản hồi từ khoa thì trường sẽ ra quyết định chính thức.

Đại diện trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sinh viên nằm trong “danh sách đen” có rất nhiều lý do. Tuy nhiên, tựu trung nhất là nằm ngay bản thân của sinh viên.

Vì sao hàng ngàn sinh viên ĐH Tây Nguyên bị buộc thôi học? - 2

Sinh viên nằm trong "danh sách đen" là do chính mình.

Ở phổ thông, học sinh thường được phân bố thời gian học tập, có kế hoạch sẵn. Trong khi đó, lên đại học, cao đẳng, sinh viên phải tự học học, tự nghiên cứu là chính. Trong khi đó, sinh viên chỉ chú trọng ôn tập khi kỳ thi sắp đến nên kết quả thi không đạt yêu cầu.

Thời đại công nghệ thông tin, sinh viên sống quá nhiều ở “thế giới ảo” và thu hút bởi game. Họ cũng bị lôi kéo bởi bán hàng đa cấp và bị sa đà khiến sức học kém…

Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên khi chọn nghề còn nhiều bất cập. Trong quá trình học, các em nhận thấy chưa phù hợp nên tự ý nghỉ học để ôn thi lại.

Một số giảng viên cho rằng, hiện tại, có khoảng 300 trường đại học, cao đẳng, điểm chuẩn vào các trường cũng không đồng bộ. Điểm sàn mà Bộ GD-DT quy định cho sinh viên còn thấp. Do đó, khi tiếp xúc với môi trường đại học, cao đẳng, nhiều sinh viên bị đuối.

Sinh viên Nguyễn Duy Nhật Q (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, thời phổ thông luôn nằm trong top học sinh giỏi của trường. Ngay năm thi đầu tiên, Q đậu đại học với số điểm khá cao.

Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn, Q được gia đình bảo bọc. Lúc vào đại học, sống xa nhà như “chim sổ lồng”. Mỗi đêm, Q cày game đến gần sáng. Số tiền gia đình chu cấp, cậu đổ hết vào mua thẻ cào nộp game. Do nghỉ học nhiều, cậu bị cảnh cáo. Sau đó, do sức học quá yếu, cậu đành chấp nhận xin xuống học hệ cao đẳng.

Trong khi đó, sinh viên Trần Thanh Tr (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho biết, lúc học phổ thông, không ai định hướng giúp nghề nghiệp. Khi chọn trường, thấy đây là trường “sang chảnh” nên chọn. Thế nhưng, lúc vào học, em nhận thấy đây là nghề nghiệp không thích hợp với mình nên quyết định nghỉ học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Cường (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN