Vì sao giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn?

Việc có đến 929 trong tổng số 1.100 giáo viên tiếng Anh ở TPHCM được khảo sát chưa đạt tiêu chuẩn của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho thấy những bất cập trong đào tạo, tuyển chọn cho giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, trong hội thảo triển khai đề án được tổ chức tại TPHCM mới đây đã nhận định năng lực tiếng Anh của giáo viên hiện còn rất thấp, giáo viên tiểu học chưa được đào tạo về phương pháp dạy tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo viên được tuyển dụng từ nhiều nguồn và nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm, đây là thách thức lớn trong quá trình triển khai đề án.

Lỗ hổng lớn nhất: Giao tiếp

Giải pháp đột phá của đề án sẽ tập trung vào khâu giáo viên. Trong đó, sẽ rà soát trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho họ. Theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải đạt trình độ B2 trở lên; giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp phải đạt trình độ C1 trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Theo bà Hồ Thanh Mỹ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu vực SEAMEO Việt Nam, việc phần lớn lực lượng giảng dạy tiếng Anh ở TPHCM chưa đạt chuẩn theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 là do giáo viên phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực, trong khi họ hiện chỉ lo dạy, đến khi thi mới ôn tập nên không tránh khỏi va vấp.

Tuy nhiên, thực tế này cho thấy mặt bằng trình độ của giáo viên tiếng Anh hiện còn thấp và có lỗ hổng trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh. Theo bà Phương, giáo viên tiếng Anh hiện rất lúng túng trong giao tiếp bằng ngoại ngữ. Trong khi đó, việc đánh giá năng lực giáo viên lại tập trung vào kỹ năng giao tiếp.

Vì sao giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn? - 1

Một tiết học tiếng Anh ở Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5 - TPHCM (ảnh chỉ có tính minh họa)

Chưa quen, chưa tiếp cận được

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng việc giảng dạy môn ngoại ngữ trong nhà trường trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu.

TS Lê Quang Vinh, Giảng viên Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết ông đã xem đề thi đánh giá năng lực giáo viên vừa qua và nhận thấy đề thi sử dụng nhiều từ ngữ quá xa lạ, cách thức thi cũng khác so với các kỳ thi trước đây. Vì vậy, nhiều giáo viên không vượt qua được là điều dễ hiểu.

TS Vinh cho rằng hiện đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH theo tiêu chí Việt Nam, do đó để giáo viên tiếp cận với chương trình đạt chuẩn quốc tế cần có thời gian và sự chuẩn bị. Trong đó, cần chuẩn bị từ khâu giảng dạy, giáo trình, đề thi, cách thức thi...

Trình độ giáo viên phải hơn 2 bậc

Theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy 2 bậc. Trình độ giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, THCS phải đạt tối thiểu cấp độ 4/6 do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành.

Cụ thể, đối với giáo viên tiểu học, THCS bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ (CEFR B2) tương đương chứng chỉ FCE tối thiểu 60 điểm, chứng chỉ TOEFL trên giấy tối thiểu 525 điểm, chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5 điểm, chứng chỉ CAE tối thiểu 45 điểm hoặc các chứng chỉ được công nhận tương đương khác đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Giáo viên tiếng Anh cấp THPT, giáo dục thường xuyên, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp phải đạt cấp độ 5/6 khung năng lực ngoại ngữ. Cụ thể, bậc 5/6 khung năng lực ngoại ngữ (CEFR C1) tương đương FCE tối thiểu 80 điểm, chứng chỉ TOEFL trên giấy tối thiểu 575 điểm, chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5 điểm, chứng chỉ CAE tối thiểu 60 điểm hoặc các chứng chỉ được công nhận tương đương khác đạt năng lực ngoại ngữ bậc 5 (C1) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

H.Lân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN