Trường nghề đầu tư triệu đô, tuyển sinh lay lắt

Bên cạnh những trường nghề ăn nên làm ra vẫn còn không ít trường nghề được đầu tư lớn nhưng vẫn trầy trật tuyển sinh, thậm chí chết yểu.

Trường nghề đầu tư triệu đô, tuyển sinh lay lắt - 1

Nhiều máy móc đầu tư đắt tiền nhưng không tận dụng tối đa năng suất ở các trường nghề.

Máy móc chỏng chơ

Trường Cao đẳng nghề Cơ điện ở đường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là một trong những trường nghề được nhà nước cấp kinh phí đầu tư thành trường chất lượng cao. Năm 2015, trường được đầu tư 2 gói, trong đó một gói từ nguồn dự án tăng cường phát triển dạy nghề từ nguồn vốn ODA 3 triệu USD để mua thiết bị dạy học; 1 gói trị giá 11 tỷ đồng trích từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó, năm 2014, trường này cũng được đầu tư 14 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, chưa kể số tiền xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng lên tới 20 tỷ đồng. Với số tiền hơn 100 tỷ đầu tư trong vòng 2 năm, trường mua mới nhiều máy móc, thiết bị dạy học hiện đại ngang ngửa máy móc của các doanh nghiệp cỡ lớn. Có những loại máy phục vụ nghề hàn trị giá lên tới 5 tỷ đồng/máy.

Tuy nhiên, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc tuyển sinh lại khá vất vả. Cụ thể, năm 2014 trường tuyển được khoảng 1.200 em, năm 2015 tuyển được 1.236 em, trong đó hệ cao đẳng hơn 800, số còn lại khoảng 400 đăng ký theo học hệ trung cấp và sơ cấp, trong khi năng lực đào tạo tối đa của trường lên tới 3.000 sinh viên/khóa.

Tương tự, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cũng trong tình trạng đầu tư lớn nhưng không thu hút được nhiều sinh viên, học sinh. Thành lập năm 2009, đến nay trường được đầu tư gần 200 tỷ để mua máy móc thiết bị thực hành cho 20 ngành nghề. Khi thành lập, với cơ sở rộng lớn, khang trang ở xã Tây Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội) trường được kỳ vọng sẽ thu hút đào tạo hết công suất khoảng 6.000 sinh viên, học sinh/khóa.

Thế nhưng, sau 5 năm hoạt động, ông Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh cho biết, từ năm 2010- 2013 mỗi năm chỉ có 1.000 sinh viên, học sinh theo học. Năm 2015, với sự nỗ lực tìm giải pháp tuyển sinh như về các trường THPT để nói chuyện, ký hợp đồng với hàng chục doanh nghiệp cam kết đầu ra đảm bảo 90% em học nghề ra trường sẽ có việc làm, mới tuyển dụng được 2.500 em. “Tuy nhiên, trong quá trình học lại rơi rớt khoảng 500 em”, ông Khánh nói. Thực tế đó dẫn đến trường phải hoạt động cầm chừng, nhiều máy móc thực hành không kín lịch, nhiều phòng học bàn ghế chỏng chơ.

Năm 2015, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Hoàn Cầu (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Hoàng Phương đã gửi đơn lên Sở LĐ-TB&XH xin giải thể trường. Lý do là trường không thể tuyển sinh, không có kinh phí hoạt động. Được biết, trường này thành lập năm 2011 với gần chục ngành nghề đào tạo nhưng năm đầu tiên chỉ tuyển sinh được 100 học sinh. Những năm sau đó, việc tuyển sinh càng khó khăn.

Nếu không có việc làm sẽ hoàn lại học phí

Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, nhiều trường nghề hoạt động không hiệu quả, không tuyển sinh được, đặc biệt là hệ thống các trường dân lập đã tự tan rã. Chưa kể, trong năm 2015 hệ thống đã sắp xếp, sáp nhập hàng trăm trường nghề trên toàn quốc. Rõ nhất là ở mỗi huyện, 3 đơn vị gồm Trung tâm hướng nghiệp, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên trước đây hoạt động độc lập nay đã phải sáp nhập thành 1. “Nguyên nhân là do không cạnh tranh được với các trường ĐH trong tuyển sinh, nhất là khi có nhiều trường ĐH hiện nay chỉ xét học bạ như trường nghề”, ông Sâm nói.

Ông Đồng Văn Ngọc cho biết, để đáp ứng nguồn lực cho xã hội, trường đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Sinh viên hoàn thành khóa học thực hành ở trường tay nghề đã rất tốt, khi ra trường doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Ông Ngọc cũng trăn trở, có lẽ ông là người duy nhất tự ký cam kết với sinh viên đảm bảo 100% em khi ra trường sẽ có ngay việc làm nếu không hiệu trưởng sẽ hoàn lại học phí cho gia đình bằng tiền túi của hiệu trưởng. “Trên thực tế, ông Ngọc cho biết, mỗi năm, trường ký kết với hơn 50 doanh nghiệp để cung cấp đầu ra nên chưa phải hoàn học phí cho học viên nào”, ông nói.

Ông Cao Văn Sâm cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến học sinh “chê” trường nghề là do chưa làm tốt công tác phân luồng và tâm lý người dân sính đại học. “Hàng nghìn cử nhân thất nghiệp, học sinh phải nhận ra nên học gì mới có việc làm. Vài năm trở lại đây nhiều thạc sĩ, cử nhân đã quay lại học nghề cho thấy xu hướng trong những năm tới bức tranh học nghề sẽ tươi sáng hơn”, ông nói.

Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện nay cả nước có khoảng 190 trường CĐ nghề đào tạo 310 nghề, 245 trường trung cấp nghề đào tạo hơn 300 nghề. Tuy nhiên số lượng tuyển sinh chưa đáp ứng được khả năng đào tạo. Năm 2013, cả nước tuyển sinh  được hơn 1,7 triệu học viên, sinh viên; năm 2015 toàn hệ thống tuyển sinh chưa đầy 2 triệu người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN