Trò vùng cao về trường

Khác với mọi năm, năm nay hầu hết học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ở Cao Bằng và Nghệ An… quay trở lại trường học tập sau kỳ nghỉ Tết đúng lịch.

Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục làm việc với các huyện, các thôn bản, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ xe chở các em học sinh các huyện miền núi cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp trở về trường.

Tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dù các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn ra ở khắp các địa phương, nhưng ngay ngày đầu tiên học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết, hơn 8.200 học sinh từ bậc mầm non đến THCS đều trở lại trường, hàng nghìn học sinh đã ra quân Tết trồng cây. Nhà trường chủ động hỗ trợ các em. Nếu có nhu cầu các cô vào tận nơi đón học sinh ra. Các em cũng đã thực hiện đúng quy định không đốt pháo, an toàn trường học… Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, đây là một điều rất đáng mừng.

Trò vùng cao về trường - 1

Cô trò vùng cao

Tuy vậy vận động học sinh vùng cao trở lại lớp sau đợt nghỉ Tết dài ngày không dễ. Đó là thực trạng tết này ở Yên Bái. Trong mấy ngày học đầu năm mới, tỉ lệ học sinh đến lớp của nhiều trường chỉ đạt hơn 60% do đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục ăn Tết qua Rằm tháng Giêng. Ở đây lại mưa và rét đậm kéo dài, chưa kể điều kiện đi lại khó khăn và lại đang vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều học sinh ở nhà phụ giúp gia đình. Giải pháp vẫn là các trường bố trí, huy động các thầy cô giáo xuống từng thôn, bản cùng chính quyền địa phương đến từng nhà học sinh chưa đến lớp để vận động cho con em trở lại lớp theo lịch học.

Trong cách giáo dục mới ở nhiều trường thành phố, miền xuôi nói chung, trẻ em được giúp đỡ để biết mình là ai, mình có mục đích, có ước mơ gì trong cuộc sống, biết dung hòa giữa cái tôi và cái ta, trẻ có những lựa chọn và quyết định đúng trước những biến cố do cuộc sống mang đến. Nhiều em có điều kiện, được quan tâm còn được học  ý thức về giá trị bản thân, sự thấu cảm với người khác, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, ra quyết định…

Ở vùng cao, chỉ lo đủ lương thực thực phẩm bảo đảm sức khỏe chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, với giao thông trắc trở.. đã là quá khó, nói chi tới hưởng thụ cách giáo dục mới. Nhưng nói cho cùng, càng ở những nơi khó khăn, càng cần cách dạy mới bởi cứ cách dạy cũ theo kiểu rao giảng suông, truyền đạt kiến thức suông không làm thay đổi được hành vi. Học sinh mải vui, mải làm, "quên học” sau nghỉ tết là chuyện quá xưa. Mừng vì học sinh vùng cao sau tết trở lại trường nhiều hơn năm qua, nhưng lo vì điều kiện lâu dài để chất lượng giáo dục vùng cao kịp miền xuôi lại chưa có gì vui.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TN (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN