Trẻ lớp 1 “vật lộn” với bài tập về nhà

Dù đã có quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đối với trường, lớp dạy 2 buổi/ngày, đặc biệt là học sinh đầu cấp, song trên thực tế có không ít trẻ khi về nhà vẫn phải vật lộn với hàng đống bài tập được giao. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Khổ cả mẹ lẫn con

Dù cô con gái rượu vào lớp 1 đã được hơn 1 tháng nhưng mọi sinh hoạt trong gia đình chị Lê Thu Trang ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn rối như canh hẹ. Không chỉ tất bật đưa đón con đi học hàng ngày mà vào các buổi tối trong tuần, 2 mẹ con chị lại phải “đánh vật” với nhau 2-3 tiếng đồng hồ. Chị Trang chia sẻ: “Hầu như ngày nào, sau khi cho con ăn tối xong, tôi cũng phải ngồi học cùng con đến 10h đêm. Ngoài Toán, Tiếng Việt, cháu phải luyện chữ viết, bài tập tiếng Anh. Con gái tôi hôm nào cũng mệt nhoài, mếu máo suốt, hết kêu mỏi tay lại đau lưng. Thương con nhưng tôi cũng chẳng biết làm thế nào”. Chị Trang thắc mắc, trong thời khóa biểu của con, buổi chiều là giờ làm bài tập hay ôn lại bài cũ, vậy tại sao các cháu về nhà vẫn phải học tiếp. Như vậy, trong gần 10 tiếng đồng hồ trên lớp, các cô giáo dành thời gian làm gì?

Ở hoàn cảnh tương tự, do vợ thường xuyên về muộn nên anh Trịnh Trung Hà ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân phải đảm nhận nhiệm vụ đón con về và kèm con học. “Tôi được biết ở Mỹ, với học sinh lớp 1, đầu năm học, cha mẹ không phải mua một cuốn sách giáo khoa nào. Cặp đi học của học sinh mỗi ngày chỉ là một chiếc ba lô nhỏ gọn, bài tập về nhà cũng rất nhẹ nhàng và đơn giản. Đằng này, con tôi học bán trú cả ngày ở trường, tối về nhà lại phải hoàn thành một đống bài tập nữa nên hầu như chẳng nghỉ ngơi được gì, người đã gầy lại còn bị sút cân. Những đứa trẻ lớp 1 chỉ cần biết đọc, biết viết, sao lại bắt các cháu học nhiều thế ?” - Anh Hà than phiền.

Trẻ lớp 1 “vật lộn” với bài tập về nhà - 1

Vật lộn với bài tập về nhà làm trẻ mệt mỏi (Ảnh minh họa)

Trước phản ánh của nhiều phụ huynh về việc phải làm bài tập về nhà của học sinh, cô Vũ Mai Hương - một giáo viên tiểu học ở quận Thanh Xuân, người có thâm niên nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cho rằng, phụ huynh xót con phải học nhiều cũng là điều dễ hiểu. Song, các phụ huynh cũng cần thông cảm với áp lực của các thầy cô giáo. Nếu như ở mẫu giáo, trẻ chỉ vui chơi, ăn, ngủ là chính thì khi vào lớp 1, trẻ phải tập trung chú ý, học hàng loạt kỹ năng như cách cầm bút, cách ngồi học đúng cách, cách giơ tay xin phép cô khi có yêu cầu. Đã có không ít trường hợp do chưa quen nên học sinh thường ngủ gật hay khóc trong lớp, thậm chí đái dầm ra quần hoặc thưa cô liên tục khiến các cô phải mất khá nhiều thời gian để giải quyết. Bên cạnh đó, theo quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều trường rơi vào tình trạng quá tải, gây thêm áp lực cho chính các giáo viên chủ nhiệm. “Lớp có tới 60 học sinh, 2/3 là nam, các bé lại rất hiếu động khiến giáo viên khá căng thẳng. Đây cũng là lý do trong một số buổi học, giáo viên không đủ thời gian hướng dẫn làm bài tập, chấm điểm cho từng em. Việc các bé nhiều hôm phải về nhà làm bài cũng vì lẽ đó” - cô Mai Hương chia sẻ.

Không có bài, phụ huynh lại “xin”?!

Có một nghịch lý, dù luôn phàn nàn là con mình bị bắt học quá nhiều nhưng khi không thấy con được giao bài về nhà, nhiều phụ huynh lại không yên tâm. Một số giáo viên do chiều theo ý thích của phụ huynh nên vẫn giao bài tập ở nhà cho trẻ. Chị Đoàn Bích Hà, ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình bộc bạch, ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, một số phụ huynh đã đề nghị cô giáo giao bài tập về nhà. Sau đó, các phụ huynh ký tên vào phiếu cam kết, đồng thời đóng tiền phô-tô các phiếu bài tập.

Cũng theo chị Hà, trong buổi họp này, có phụ huynh còn phát biểu, họ rất sốt ruột khi buổi tối thấy con về nhà ăn uống xong chỉ cắm đầu vào tivi và trò chơi điện tử, hỏi có bài không thì cháu bảo cô không giao. Mấy ngày đầu, phụ huynh này muốn rèn con mình vào nếp đã mua thêm sách tập viết ở bên ngoài cho con viết thêm, thậm chí còn bắt con làm Toán nâng cao. Cô giáo chủ nhiệm thấy vậy sợ phụ huynh dạy trẻ sai cách đành giao bài tập về nhà cho cả lớp. Thế là chỉ vì một vài cháu mà đến hơn 60 cháu phải chạy đua theo. Đúng là bố mẹ làm khổ con cái.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Vũ Thị Thanh T, giáo viên tiểu học ở quận Tây Hồ khẳng định, nếu nỗ lực, giáo viên vẫn đảm bảo dạy đủ kiến thức cho học sinh ngay trên lớp học. Do đó, không giáo viên nào muốn mua thêm việc cho mình, vì nếu giao bài tập cho học sinh, giáo viên sẽ mất thêm thời gian sửa bài, chấm bài. Nhưng do nguyện vọng tha thiết của nhiều phụ huynh, họ rất khó từ chối. Trên thực tế khi nguyện vọng không được đáp ứng, đã có không ít phụ huynh cho rằng cô giáo gây khó dễ, không nhiệt tình với học trò.

Được biết, năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo không ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày thực hiện đúng chủ trương này. Quy định nhằm tránh tình trạng giáo viên bắt cả lớp phải làm bài tập thêm ngoài giờ trong khi các em đã hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay trên lớp. Về vấn đề này, một đại diện của Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, quá kì vọng vào việc học hành của con trẻ, tạo sức ép tâm lí không có lợi cho sự phát triển của học sinh. Lứa tuổi tiểu học, đặc biệt khối lớp 1 là tuổi các em bắt đầu tiếp xúc với môi trường học tập chính quy, nghiêm túc, vì thế, cần phải để các em có thời gian tiếp thu, việc dồn ép học, giao nhiều bài tập sẽ dễ gây tác dụng ngược. Phụ huynh cũng nên yên tâm vì với 2 buổi học trên lớp, trẻ hoàn toàn nắm được nội dung kiến thức trong ngày.

Rõ ràng, việc giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 xuất phát từ cả 2 phía, phụ huynh và giáo viên, song không tính đến lợi ích và sự mong muốn của đứa trẻ. Để khắc phục tình trạng này, mỗi giáo viên cần nghiêm túc tuân thủ quy định, hãy phân tích cho các phụ huynh hiểu rằng không nên ép con mình học quá nhiều, dù vì bất cứ lý do nào.

Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, thời gian qua, đã có không ít bệnh nhân là học sinh đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai khám và xin tư vấn về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập căng thẳng. Có em bị bệnh khá nặng, nguyên nhân là do phải hứng chịu những áp lực tâm lý quá lớn, bị ép học quá mức, không được quan tâm về tinh thần, không có thời gian vui chơi, giải trí.

Thực tế, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay không nặng, song phương pháp và cách dạy thiếu khoa học làm cho nó trở nên nặng nề, nhàm chán. Quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 là đúng. Song, ai giám sát việc này và nếu phát hiện, xử lý ra sao thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huệ Linh (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN