Thi trắc nghiệm môn Toán và những tổn thất cho xã hội

Sự kiện: Thời sự

“Những cái được của thi trắc nghiệm không thể bù cho những tổn thất mà nó gây ra với xã hội”, thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên tổ trưởng tổ Toán tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Thi trắc nghiệm môn Toán và những tổn thất cho xã hội - 1

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo phương án tuyển sinh 2017. Theo đó, điều đáng chú ý nhất là năm 2017, môn Toán sẽ được đổi mới sang hình thức thi trắc nghiệm. Điều này đã gây ra không ít tranh cãi.

Để rộng đường dư luận, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên tổ trưởng tổ Toán tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thầy Vĩnh cho biết: “Thi trắc nghiệm được gì và mất gì? Đây là câu hỏi mà Bộ GD&ĐT cần trả lời trước công luận. Là một cựu giáo viên, tôi xin đưa ra cái được của hình thức thi trắc nghiệm môn Toán.

Trước hết xin nói về những cái được của thi trắc nghiệm: 

Thứ nhất, kiến thức trong đề thi có thể bao phủ hết nội dung chương trình theo mục đích và yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.

Thứ hai, việc chấm thi trắc nghiệm đơn giản, ít tốn kém có thể triệt để dùng công nghệ thông tin để chấm thi góp phần tạo nên kì thi hiệu quả, giải quyết được vấn đề “hạn chế của giáo viên chấm thi”.

Thứ ba, việc chấm thi trắc nghiệm là hoàn toàn khách quan nếu loại trừ được sự gian lận trong hệ thống những người tổ chức thi. 

Thứ tư, thi trắc nghiệm số lượng thí sinh bị điểm liệt (điểm từ 0 đến 1) chắc chắn sẽ không có”.

Thầy Lê Đức Vĩnh cũng chia sẻ thêm: “Tuy vậy, những cái được của thi trắc nghiệm không thể bù cho những tổn thất mà nó gây ra với xã hội:

Cái mất đầu tiên, hình thức thi trắc nghiệm làm mất khả năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt nhận thức của người thi. Ở đời, nếu chỉ dạy con người biết nhận dạng cái này đúng, cái kia sai mà không biết lý giải tại sao nó đúng, tại sao nó sai thì con người chỉ giống loài khỉ chọn loại quả ăn được, loại quả không ăn được mà thôi. 

Cái mất thứ hai, chính hình thức thi trắc nghiệm sẽ tước đi quá trình giao lưu giữa thầy và trò qua con chữ của kiểu thi tự luận. Qua cách hành văn, qua nét chữ của trò mà thầy cô có thể hiểu được tính cách của trò từ đó có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn. Vì thực ra, muốn dạy được học sinh trước hết phải hiểu được học sinh đó như thế nào, ưu và nhược điểm ở đâu.

Cái mất thứ ba, khi thi trắc nghiệm, những câu nào không làm được các em sẽ gạch bừa, điều này có thể gây ra thói quen xấu làm bừa, nói không suy nghĩ ở tuổi trưởng thành của các em.

Cái mất thứ tư, học trò thi trắc nghiệm, thầy sẽ dạy theo kiểu thi trắc nghiệm, khi đó những kiến thức tinh tuý của chương trình sẽ bị bỏ qua. Điều này dẫn tới việc học hời hợt, sẽ ảnh hưởng tới tư duy logic, tư duy suy luận, tư duy hệ thống và tư duy chính xác.

Sở dĩ việc thi trắc nghiệm môn Toán ở Mĩ và Úc mang lại hiệu quả cao vì nền giáo dục của họ, không đặt nặng vào kết quả của bài thi khi đánh giá năng lực của học sinh. Việc tuyển sinh họ không chỉ dựa vào kết quả thi mà còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác. Còn ở ta, kết quả thi là quyết định tất cả.

Người Mĩ, người Úc có những công ty soạn thảo đề thi với nhiều chuyên gia tầm cỡ, còn ở ta thì sao? Những đề thi trắc nghiệm các môn Lý, Hoá, Sinh đã thi trong mấy năm qua đã thật sự đạt yêu cầu của những đề thi trắc nghiệm hay chưa? Năm tới Bộ GD&ĐT còn định bắt học sinh thi trắc nghiệm cả môn Toán nữa thì có vội vàng hay không?

Có thể nói, mỗi quyết định của Bộ GD&ĐT thường ảnh hưởng tới toàn xã hội. Thế nhưng, lần này Bộ lại vội vàng, thiếu tính khoa học và không chú ý tới tâm tư và nguyện vọng của thầy cô và học trò”.

Trước đó, Hội Toán học đã có buổi trò chuyện cùng báo chí để bày tỏ quan điểm phản đối việc Bộ GD&ĐT quyết định chuyển hình thức thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm trong kì thi THPT quốc gia năm 2017.

Trao đổi về quan điểm trên, GS.TSKH Phùng Hồ Hải - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Toán học, cho biết: “Các thành viên Ban chấp hành Hội Toán học đều cho rằng quyết định chuyển đổi hình thức thi môn Toán sang hình thức trắc nghiệm  là một quyết định quá nhanh khiến học sinh, giáo viên chưa có sự chuẩn bị để có thể thực hiện tốt nhất.

Nếu thay đổi thì Bộ GD&ĐT phải chứng minh được ưu điểm về chuyên môn của phương thức thi trắc nghiệm với môn Toán. Còn nếu chưa chứng minh được thì không nên thay đổi đột ngột”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN