Thi THPT quốc gia 2016: Bất cập của 2015 sẽ không lặp lại

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Thi THPT quốc gia 2016: Bất cập của 2015 sẽ không lặp lại - 1

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2015 tại Hà Nội: Ảnh: Như Ý.

Ông Ga cho biết: Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ  ban hành dự thảo quy chế thi và tuyển sinh. Dự thảo được xây dựng dựa trên ý kiến đóng góp của các trường, các sở GD&ĐT trong thời gian qua. Bộ sẽ điều chỉnh những bất cập và phát huy những thành công đã đạt được. Tất nhiên sẽ cố gắng điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể để ổn định tâm lý của học sinh cũng như phụ huynh.

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015, dư luận đánh giá công tác tổ chức thi tốt, chỉ điều chỉnh một chút ít để tốt hơn. Ví dụ sắp xếp thí sinh dự thi ở cụm thi quốc gia vùng giáp ranh thế nào để thuận tiện hơn, không phải đi quá xa. Có thể cụm thi quy định xa, cụm thi khác gần thì học sinh được mềm dẻo tùy chọn.

Như vậy, cách tổ chức thi cơ bản như năm 2015. Bộ chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong cách nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển thế nào cho phù hợp để không gây  lộn xộn, xã hội yên tâm, thí sinh không quá khó khăn trong nộp hồ sơ.  Điều này để các trường và thí sinh cùng thuận lợi.

Thực ra, năm 2015, việc cho phép thí sinh được rút ra, nộp vào hồ sơ là để  đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Bộ đã tạo điều kiện cho thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng của mình nhưng có những bất cập nhất định nên sắp tới sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn để quyền lợi của thí sinh không bị hạn chế và  không gây bức xúc.

Tất cả bất cập của năm 2015, năm nay Bộ đều có giải pháp để làm tốt hơn. Năm 2016, tất cả những bất cập của năm 2015 sẽ không lặp lại.

 

Thi THPT quốc gia 2016: Bất cập của 2015 sẽ không lặp lại - 2

Thứ trưởng Bùi Văn Ga.

Có thông tin  là kỳ thi vẫn diễn ra trong 4 ngày đầu tháng 7, điều này có đúng không, thưa ông?

Tất cả bất cập của năm 2015, Bộ đều có giải pháp để làm tốt hơn. Năm 2016, tất cả những bất cập của năm 2015 sẽ không lặp lại.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Tới giờ chưa khẳng định điều gì. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa chi tiết dự thảo quy chế thi và tuyển sinh để tham khảo ý kiến của các trường và của toàn xã hội, trong dự thảo đó sẽ đề ra một số phương án. Sau đó xã hội, học sinh, phụ huynh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp và ban hành quy chế chung. Vì kỳ thi này liên quan đến rất nhiều thí sinh, rất nhiều gia đình nên cần tham khảo ý kiến của xã hội. Phương án nào được đồng thuận cao nhất thì chọn.

Hiện nay Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã hoàn thiện. Chỉ còn một vài ý kiến băn khoăn. Những ý kiến này sẽ được đưa ra dư luận để lấy ý kiến trong thời gian tới. Dư luận đồng tình với phương án nào thì sẽ bổ sung phương án đó.

Phần chưa đồng tình cao có phải khâu xét tuyển không, thưa ông?

Chủ yếu là khâu đó, còn lại các khâu khác đều đồng thuận. Hiện chỉ còn băn khoăn khâu xét tuyển làm thế nào cho tốt. Các trường làm gì, địa phương làm gì,  Bộ làm gì, kỹ thuật như thế nào để thuận lợi nhất cho thí sinh, không gây bất cập cho các trường. Đó là những nguyên tắc cần xử lý trước khi đưa vào quy chế.

Phương án nào thì các trường cũng lo ngại ảo, ông nghĩ sao?

Không có phương án nào hoàn hảo. Nếu nâng cao quyền lợi của học sinh thì các trường sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu đảm bảo quyền lợi cho các trường thì quyền lợi của thí sinh bị ảnh hưởng. Không có phương án nào tốt cho cả hai. Do đó, chúng ta cần chọn phương án ít  “xấu” nhất.

Vậy số lượng cụm thi liên tỉnh có thay đổi không, thưa ông?

Nguyên tắc năm nay vẫn giữ hai cụm thi: Liên tỉnh và địa phương. Còn số lượng thế nào thì làm sao để phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho thí sinh.

Khi nào thì Bộ có thể công bố được Dự thảo quy chế thi và tuyển sinh?

Sau Tết Nguyên đán học sinh đã đăng ký nộp hồ sơ. Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói là sẽ công bố trước Tết Nguyên đán sẽ có phương án công bố cho thí sinh biết để sau Tết dự thi.

Năm 2015, có rất nhiều trường khó khăn tuyển sinh, tại sao không dừng tuyển sinh của những trường này, thưa ông?

Các trường khó tuyển sinh trong thời gian qua là các trường ngoài công lập. Chỉ có hội đồng quản trị của các trường này mới có quyền dừng tuyển sinh hay tiếp tục tuyển sinh. Nếu họ không vi phạm pháp luật thì Bộ không thể dừng được. Còn nếu sáp nhập, chia sẻ là tự nguyện của họ. Bộ cũng khuyến khích các trường không tuyển sinh được thì sáp nhập lại. Tức là cấu trúc kiểu gì đó để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoa Ban (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN