Thí sinh bối rối vì mỗi trường xét tuyển một kiểu

Bắt đầu từ 1/8, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015 sẽ chính thức bắt đầu với đợt xét tuyển nguyện vọng 1.

Cầm trên tay những phiếu kết quả điểm, dù cao hay thấp cũng khiến thí sinh thấp thỏm lo âu bởi các trường tuyển sinh trên phạm vi cả nước nhưng mỗi trường một kiểu.

Thí sinh bối rối vì mỗi trường xét tuyển một kiểu - 1

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có nhiều sự thay đổi về phổ điểm, cách thức xét tuyển khiến nhiều thí sinh bối rối trước các thông tin tuyển sinh. Ảnh: Q.Anh

Lo trượt dù được điểm cao

Kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm nay có nhiều điểm mới, đó là thí sinh sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, ngưỡng điểm 15 mà Bộ GD&ĐT quy định để đảm bảo vào đại học cùng với phổ điểm ở các khối thi, môn thi tăng so với mọi năm khiến thí sinh, người nhà thí sinh chưa thể an tâm bởi kỳ tuyển sinh năm nay được dự báo là khá căng thẳng.

Được 16,5 điểm cho 3 môn khối A, thí sinh Trần Việt Anh (ở Hà Nội) chưa thể yên tâm vì điểm này được cho là thấp. Việt Anh chia sẻ: “Năm nay, điểm sàn đại học là 15 điểm, cả nước có quá nhiều thí sinh cùng ở mức điểm ngang bằng hoặc cao hơn điểm sàn chút ít. Do đó càng khó khăn khi lựa chọn, nếu “mơ mộng” chọn trường công lập thì khó vào, chọn trường ngoài công lập thì học phí đắt, ra trường khó xin việc. Em đang cân nhắc xem trường công lập nào “top dưới” để nộp đơn xét tuyển”.

Vui vì đỗ tốt nghiệp và được điểm thi thuộc hàng cao nhất lớp, song với Dương Thu Hương (ở Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng rất lo lắng với số điểm 24, 25 khối D của mình. Thu Hương cho biết: “Em dự định nộp đơn vào Trường ĐH Hà Nội vì em thích học ngoại ngữ. Tính cả điểm cộng khu vực em được 24,25 điểm, mọi năm số điểm này là chắc suất vào trường, nhưng năm nay tuyển sinh phạm vi cả nước. Hơn nữa, ngoại ngữ cũng rất có sức hút nên sẽ nhiều thí sinh đăng kí. Có khi em nộp đơn sang trường khác cho chắc ăn. Tuy nhiên, mỗi trường một kiểu xét tuyển khiến em khá rối”.

Tâm trạng của Việt Anh, Thu Hương cũng là tâm trạng chung của rất nhiều thí sinh đang sắp sửa nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điểm thi tăng, lại mở rộng khu vực tuyển sinh trên phạm vi cả nước nên nhiều thí sinh lo ngại hiện tượng “đổ dồn” vào các trường đại học danh tiếng, ngành hot, trường công lập... Điều này đồng nghĩa không ít thí sinh điểm cao vẫn có thể bị trượt nếu như nộp đơn vào trường có đông thí sinh điểm ngang bằng hoặc cao hơn.

Mỗi trường một kiểu xét tuyển

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã đưa ra ngưỡng xét tuyển cũng như các điều kiện kèm theo. PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đã đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển là 6 điểm/môn cho tất cả các nhóm ngành và tổ hợp xét tuyển, tương đương với tổng điểm 3 môn là 18 điểm đối với nhóm ngành không có môn chính và 24 điểm đối với nhóm ngành có tính hệ số môn chính. Bên cạnh đó, thí sinh phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 20.

Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng cũng thông báo cho các thí sinh có thể đăng ký trực tuyến theo hình thức truy cập vào trang web http://ts.udn.vn chọn Đăng ký trực tuyến -> Đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào ĐH Đà Nẵng năm 2015. Thí sinh chỉ cần điền đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn tại trang web và in phiếu đăng ký xét tuyển trực tuyến. Thí sinh vẫn phải nộp các giấy tờ còn lại qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp tại trường. Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế... cũng có nhiều tổ hợp khối thi mới, kèm theo đó là một loạt các quy định trong xét tuyển như điểm học THPT, điểm môn chính thi THPT Quốc gia...

Hiện tại, nhiều trường ĐH, CĐ cũng thông báo một loạt các điều kiện tuyển sinh khiến cho thí sinh không khỏi bối rối, cụ thể như: ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm điều kiện thí sinh phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; ĐH Ngoại thương cũng đề ra một loạt các tiêu chí để tuyển chọn thí sinh ngoài điểm nhận hồ sơ rất cao; ĐH Y Hà Nội cũng bổ sung các quy định lấy thêm điểm trung bình môn của 6 học kỳ THPT, trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sẽ lấy các môn ưu tiên là Toán, Hóa, Sinh. Nhiều trường ĐH, CĐ còn xét tuyển dựa trên cả xếp loại hạnh kiểm.

So với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, thí sinh tự nộp hồ sơ vào trường mình dự định thi, sau đó mới thi tuyển. Nhưng năm nay, mỗi thí sinh có thể được xét 4 ngành trong cùng một trường khiến việc này rắc rối hơn. Trong khi đó, điểm thi không có sự phân hóa rõ ràng nên nhất định phải có biện pháp khác nữa để chọn lọc thí sinh với những chỉ tiêu phụ đi kèm. Đây là những khó khăn của nhà trường đồng thời cũng gây phức tạp cho thí sinh, phụ huynh trong thu thập thông tin, phân loại và lựa chọn các trường đăng kí xét tuyển.

Bộ GD&ĐT vừa công bố thống kê lũy kế kết quả của thí sinh ở các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D. Dựa vào bảng này, thí sinh sẽ biết vị trí mình ở đâu, từ đó nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học cho phù hợp. Theo bảng thống kê, khối A có 2 thí sinh đạt 29,5 điểm. Khối B có 2 thí sinh đạt 29,75 điểm. Trong khi đó, khối A1 chỉ có 1 thí sinh đạt 28,75 điểm còn khối C có 1 thí sinh đạt 28,5 điểm. Khối C, khối D cũng có 1 thí sinh đạt 28,25 điểm.

Bảng thống kê cũng cho thấy, ở khối A, với 245.455 em đạt từ 15 điểm/3 môn trở lên, chiếm tỷ lệ 78,6% so với tổng số thí sinh thi đủ cả ba môn Toán, Lý, Hóa. Cũng từ mức 15 điểm trở lên, khối A1 có 218.474 em (61,6%), khối B có 121.553 thí sinh (66,5%), khối C có 78.118 thí sinh (70,9%), khối D có 255.039 thí sinh (47,6%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN